Hãy tưởng tượng máy ảnh của bạn là một cái cửa sổ với cánh cửa có thể đóng vào mở ra. Lúc này, độ mở chính là kích thước của cửa sổ. Tam giác phơi sáng. Ảnh: Digital Photography School. Trang Digital Photography School đã giới thiệu cuốn sách ''Tìm hiểu phơi sáng'' của tác giả Bryan Peterson, trong đó, ông mô tả những yếu tố chính cần đặc biệt lưu tâm khi chụp ảnh. Các yếu tố đó là độ nhạy sáng (ISO), độ mở, và tốc độ cửa trập. Ba yếu tố này tạo thành một tam giác gọi là tam giác phơi sáng. Sự tác động qua lại của 3 yếu tố, cũng như chỉ một yếu tố thay đổi, cũng sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng phơi sáng của bức ảnh chụp. Dưới đây là ba ví dụ để người chụp ảnh hiểu đúng ý nghĩa của thông số phơi sáng qua ba cách so sánh ẩn dụ, thông qua những hiện tượng hay đồ vật quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Cửa sổ Hãy tưởng tượng máy ảnh của bạn là một cái cửa sổ. Ảnh: Dtconline. Hãy tưởng tượng máy ảnh của bạn là một cái cửa sổ với cánh cửa có thể đóng vào mở ra. Lúc này, độ mở chính là kích thước của cửa sổ. Cửa càng to, ánh sáng vào trong phòng càng nhiều và căn phòng sẽ càng sáng hơn. Tốc độ cửa trập là khoảng thời gian cánh cửa sổ mở ra. Cánh cửa mở ra càng lâu thì ánh sáng vào căn phòng càng nhiều. Giờ hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong căn phòng đó và đeo một chiếc kính râm. Mắt bạn lúc này sẽ được che lại khỏi ánh sáng chiếu vào phòng (tương tự như bạn để ISO thấp). Bây giờ, có vài cách để tăng lượng ánh sáng vào trong phòng nhiều hơn. Thứ nhất, để cánh cửa số mở lâu hơn (giảm tốc độ cửa trập), hay tăng kích cỡ của cửa sổ to hơn (tăng độ mở) hoặc bỏ kính râm ra khỏi mắt (tăng ISO cao hơn). Giờ, ít nhất bạn cũng đã bắt đầu nắm được ý tưởng về sự tác động qua lại của các thông số ảnh hưởng đến ánh sáng. Tắm nắng Phơi sáng ở máy ảnh cũng giống như bạn đi tắm nắng. Ảnh: Photodoto. Ở ví dụ thứ hai này, hãy tưởng tượng phơi sáng ở máy ảnh cũng giống như là bạn đi tắm nắng vậy. Lúc này, độ nhạy cảm làn da sẽ đóng vai trò như là mức ISO. Có những người sẽ có làn da nhạy cảm hơn người khác. Tốc độ cửa trập sẽ tương ứng với khoảng thời gian bạn nằm tắm nắng. Bạn càng nằm lâu thì da sẽ càng trở nên đen hơn, và nếu phơi lâu quá bạn sẽ bị cháy nắng (cháy sáng). Độ mở sẽ tương đương với kem chống nắng. Kem chống nắng sẽ hạn chế ánh sáng mặt trời tiếp xúc với da và kem này cũng có nhiều loại với tỷ lệ chặn ánh sáng khác nhau. Loại có tỷ lệ chặn ánh sáng càng cao thì da càng đỡ bị bắt nắng và những người càng có làn da nhạy cảm (ISO cao) hoặc càng muốn nằm phơi nắng lâu (tốc độ cửa trập chậm), thì càng phải bôi loại kem chống nắng có tỷ lệ chặn cao (độ mở hẹp). Vòi nước Độ rộng của ống nước sẽ là đọ mở, thời gian vòi nước chảy là tốc độ cửa trập, áp lực của vòi là độ nhậy ISO. Ảnh: Momgoesgreen. Một ví dụ quen thuộc khác là vòi nước. Độ rộng của ống nước sẽ là độ mở, thời gian vòi nước chảy là tốc độ cửa trập và áp lực của vòi sẽ là độ nhạy ISO. Và để làm đầy một xô nước (có bức ảnh đủ sáng), nếu ống nước nhỏ, bạn sẽ phải để vòi chảy lâu hơn, hoặc phải dùng máy bơm để cho nước chảy nhanh hơn. Để kết hợp thật nhuần nhuyễn các yếu tố ảnh hưởng đến lượng phơi sáng của một bức ảnh, không gì khác là bạn phải thực hành thật nhiều. Kể cả những nhiếp ảnh gia đã chuyên nghiệp vẫn luôn cần phải thử sự kết hợp các thông số ở những hoàn cảnh chụp khác nhau. Điều đáng mừng là với thời đại máy ảnh số hiện nay, người chụp có thể thử sự kết hợp giữa các thông số bao nhiêu tùy thích mà không phải tốn tiền rửa ảnh ra mới biết các thử nghiệm của mình sẽ có kết quả ra sao. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý một điều, bên cạnh tác động đến phơi sáng chung của mỗi bức ảnh, việc thay đổi mỗi thông số còn ảnh hưởng tới các yếu tố khác, như thay đổi độ mở sẽ ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh, thay đổi ISO sẽ ảnh hưởng đến độ hạt của ảnh, thay đổi tốc độ sẽ ảnh hưởng đến các đối tượng chuyển động trong hình. Nguồn: Vnexpress.net