Sổ tay nhiếp ảnh

Thảo luận trong 'Nhiếp ảnh cơ bản' bắt đầu bởi Arise01, 30/3/11.

  1. Arise01

    Arise01 Điều hành viên cũ

    Tham gia:
    4/3/11
    Bài viết:
    229
    Đã được thích:
    1,039
    Em xin trích đăng một số bài viết hay từ internet về nhiếp ảnh để các bác cùng tham khảo:

    Kinh nghiệm chụp cho người mới bắt đầu

    Không phải lúc nào trên những chặng đường bất chợt bạn dều có người quen đi cùng để…chụp ảnh cho nhau. Và cũng không phải lúc nào bạn chụp ảnh cảnh đẹp nhưng chụp người với cảnh cũng đẹp. Vấn đề là đơn giản so với những người nhiều kinh nghiệm nhưng lại là khó khăn với những bạn ít chụp ảnh. Không ít lần bạn đã kêu than vì nhân vật trong ảnh sai nét, bị tối mặt…hay khi thể hiện rõ ràng nhân vật thì cảnh lại tối thui hoặc…trắng xóa! Làm thế nào bây giờ ? Không có gì khó cả, NTL xin được tìm hiểu và giải quyết vấn đề cùng bạn và vẫn chỉ với chiếc dCam.


    Điều quan trọng đầu tiên là quan sát ánh sáng

    Kỹ thuật nhiếp ảnh có những giới hạn của nó và không phải lúc nào bạn cũng có thể đạt được đầy đủ các chi tiết trong bóng tối và vùng ánh sáng cao. chính vì thế nên khi đứng trước một cảnh đẹp, một công trình nổi tiếng…bạn muốn có hình kỷ niệm với chúng thì việc quan sát hướng chiếu sáng là rất quan trọng. Bạn nên tránh chụp những cảnh ngược sáng hay đơn giản hơn là người được chụp đứng trong vùng bóng râm còn phông nền lại sáng rực rỡ.
    Khi mặt trời ở ngay sau lưng nhân vật hay ở chếch 45° phái sau thì bạn khó có thể chụp ảnh đẹp với dCam. Giải pháp : thay đổi góc nhìn, đổi vị trí của nhân vật hay chụp cận cảnh theo kiểu chân dung và dùng thêm flash « Fill-in » (đồng nghĩa với việc phong cảnh sẽ bị hẹp lại). Bạn cũng nên tránh ánh sáng thẳng trên đỉnh đầu vì nó sẽ làm tối các hốc mắt. Chụp ảnh người với phong cảnh thì nên tránh đội mũ lưỡi trai vì nó sẽ làm mặt bị tối. Hướng sáng đẹp là chếch 45° theo nhiều ngang và chiều thẳng đứng về phía trước mặt. NTL thích thứ ánh sáng dịu hắt lên từ mặt sân hay một bức tường nào đó gần với nhân vật. Như thế nếu bạn đi du lịch vào một ngày trời râm mát thì lại chính là điều kiện lý tưởng để chụp được nhiều ảnh đẹp đấy.


    Điều quan trọng thứ hai là đo sáng

    Máy dCam có những hạn chế không thể vượt qua của nó (không thể thao tác theo ý muốn, tầm đèn flash yếu…) nhưng lại rất « thông minh » trong việc ghi lại các chi tiết trong vùng ánh sáng yếu. Như thế nguyên tắc đo sáng chung của dCam là ưu tiên các vùng ánh sáng cao. Nếu ta gọi vùng ánh sáng kém nhất là « Tối », ánh sáng đủ cho nhân vật là « Trung bình », vùng có ánh sáng cao hơn là « Sáng » và điểm sáng nhất là « Cực sáng » thì với máy ảnh dCam bạn nên đo sáng vào vùng « Sáng ». Để có thể ghi lại được chi tiết phong cảnh cũng như nhân vật thì ánh sáng phải cân bằng giữa chủ thể và phông, hay độ chênh lệch không vượt quá 2 khẩu độ ống kính với ảnh mầu. Làm sao để biết được điều ấy ? rất đơn giản : bạn chỉ việc chọn chế độ chụp ở Av hay Tv (đa phần các máy dCam hiện hành đều cho phép làm việc này), chẳng hạn ta chọn Av và đặt khẩu độ ở f/5,6, rồi tiến hành đo sáng trên khuôn mặt của nhân vật bằng chế độ « Spot » (chẳng hạn kết quả đạt được là 1/125 với ISO 100) sau đó đo sáng vào một vài chi tiết quan trọng ở phông
    (chẳng hạn kết quả đạt được là 1/250 ở ISO 100, 1/500…). Dựa trên những thông số này bạn có thể biết được là mình có cần dùng thêm flash hay hiệu chỉnh kết quả đo sáng hay không ? Nguyên tắc căn bản của việc Hiệu chỉnh kết quả đo sáng (Exposure Compensation) như sau :
    - Khi người sáng hơn phông thì –Ev
    - Khi người tối hơn phông thì +Ev
    Nếu máy ảnh của bạn không cho phép thao tác như NTL đã trình bày ở trên thì bạn hoàn toàn có thể chụp hai kiểu ảnh : một với đo sáng vào nhân vật và một với đo sáng vào phông rồi so sánh kết quả trên màn hình LCD. Lợi thế của máy ảnh số là ở chỗ này. Nếu bạn thấy đồ thị «Histograms » dồn về bên trái thì có nghĩa là ảnh của bạn bị tối, đồ thị dồn về tận cùng bên phải nghĩa là ảnh của bạn bị thừa sáng. Một hình ảnh có ánh sáng đúng sẽ có đồ thị hình một quả đồi nhỏ ở chính giữa, có một chút khoảng cách với hai đầu của trục X. Đồ thị này cang cao theo trục Y thì có nghĩa là tấm ảnh của bạn càng có nhiều chi tiết


    Điều quan trọng thứ ba là độ nét sâu

    Lẽ dĩ nhiên là bạn muốn có một tấm ảnh nét cả nhân vật và phong cảnh. Điều này rất dễ thực hiện khi chụp với dCam vì các máy này có độ nét sâu rất lớn (do tiêu cự của ống kính rất ngắn) Thông thường bạn sẽ canh nét vào nhân vật, lý tưởng nhất là chọn điểm canh nét trên khuôn mặt, chỗ nằm giữa hai mắt (nếu cự ly chụp đủ gần để quan sát) như thế để đạt được độ nét sâu từ nhân vật cho tới tận vô cùng bạn phải chọn khẩu độ ống kính nhỏ nhất, với máy dCam là f/8. Tuy nhiên trong đa số các trường hợp khi khoảng cách giữa người chụp và nhân vật đủ xa thì chỉ với f/5,6 bạn đã có thể làm được điều này rồi. Thế nhưng máy dCam lại khóa luôn cả điểm canh nét lẫn kết quả đo sáng đồng thời cùng một lúc và bạn lại muốn chọn một kết quả đo sáng trên một vùng ánh sáng khác. Làm thế nào đây ? Cũng rất dơn giản, với dCam bạn vẫn có thể sử dụng khả năng của « Hyper-focal » tức là chọn một điểm canh nét (không nằm trên nhân vật) mà từ đó đạt được độ nét sâu lớn nhất. Thực nghiệm với máy dCam cho thấy bạn hoàn toàn có thể chọn điểm canh nét vào 1/3 chiều sâu của ảnh với khẩu độ ống kính tối thiểu là f/5,6. Sau khi chụp bạn nên dùng chức năng zoom của màn hình LCD để kiểm tra xem nhân vật có nét hay không ?


    Điều thứ tư là đèn Flash "Fill-in"

    Tất cả các đèn flash gắn sẵn trên máy dCam cho chỉ số GN rất nhỏ. Cự ly chụp hiệu quả ở vị trí ống kính rộng nhất thường ở 3,5m và ở vị trí ống kính tele là 2,5m. Khi bạn khép sâu khẩu độ ống kính để lấy độ nét sâu thì cự ly chụp của đèn sẽ bị giảm đi rất nhiều. Chẳng hạn với GN 11 thì ở f/8 bạn sẽ chụp được ở khoảng cách 11/8 = 1,375m mà thôi. Hiệu quả của flash là xóa đi các bóng đổ xấu hoặc cân bằng nhân vật với ánh sáng ở phông. Với dCam thì phương pháp đơn giản mà hiệu quả nhất là đo sáng vào một điểm trên mặt đất của phông rồi dùng flash để chiếu sang cho người. NTL hay dùng ISO 50 với flash “fill-in” và trong trường hợp phông quá sáng thì bạn có thể -1 Ev hoặc -2 Ev. Vào những lúc trời sẩm tối thì bạn nên dùng thêm chân máy để chụp flash với tốc độ chậm. Chế độ này được biểu hiện bằng hình người với ngôi sao trên máy của bạn. Với những bạn nào có nhiều kinh nghiệm hơn thì có thể chọn tốc độ ở chế độ Tv. Bạn cần lưu ý là ngay cả khi flash đã lóe lên rồi thì vẫn cần tiếp tục giữ nguyên vị trí để tránh hiện tượng bóng nhòe. Phương pháp này cho phép bạn tái tạo lại sinh động không khí ban đêm và bầu trời sẽ rất xanh đồng thời người đủ sáng. Chụp flash buổi tối bạn có thể chọn ISO 200.


    Những quy tắc, định luật Nhiếp ảnh


    1. Quy tắc f/16

    Trong trường hợp máy đo sáng bị hỏng , ta có thể áp dụng quy tắc f/16 để chụp. Quy tắc này được phát biểu như sau:
    Với ánh sáng thuận của một ngày nắng ráo, trong khoảng thời gian 1h sau khi mặt trời mọc và trước 1h khi mặt trời lặn. Đồng thời chủ đề có độ
    tương phản trung bình thì khẩu độ chuẩn luôn là f/16, tốc độ chập tương đương với ISO đang sử dụng.
    ( tốc độ chập tương đương với ISO đang sử dụng: ví dụ ISO 400 thì tốc độ là 1/500, cũng giống như quy tắc về tốc độ an toàn tối thiểu).
    Khẩu độ sẽ điều chỉnh tùy theo từng trường hợp cụ thể
    - Trời nắng rực không mây, bóng đổ đen xậm sử dụng f/16.
    - Trời nhiều mây, bóng đổ dịu sử dung f/11.
    - Trời sáng nhưng mây mù, không có bóng đổ sử dụng f/8.
    - Trời mây mù âm u hay có sương mù hoặc mưa phùn sử dụng f/5.6
    - Trong bóng dâm dười trời nắng sử dụng f/5.6
    - Trời mù mịt, sương mù dày đặc, mưa dầm, trời tối sầm sử dụng f/4
    ...
    Ghi nhớ:
    + Nếu ánh sáng tạt ngang mở thêm 1 khẩu độ.
    + Với ánh sáng ngược, mở lớn thêm 2 khẩu độ
    + Nếu muốn giữ đổ bóng đen thì giữ nguyên
    Còn rất nhiều các tình huống ánh sáng phức tạp khác, nhờ các Bác có kinh nghiệm gợi ý thêm.


    2. Quy tắc tốc độ an toàn tối thiểu

    Chắc Bác thanhvit chưa đọc kỹ bài viết của em về Dof rồi. Anh Longpt cũng đã nói một cách cô đọng nhất về quy tắc này. Nhưng dù sao để dễ hiểu nhất cho mọi đối tượng, tiện đây em cũng nói đại ý cái quy tắc tốc độ an toàn tối thiểu (nói chính xác hơn là quy tắc tốc độ an toàn) được phát biểu như sau:
    Trong trường hợp chụp chỉ cầm bằng tay, để đảm bảo cho hình ảnh rõ nét, tránh bị rung. Tốc độ được lựa chọn tối thiểu là nấc tốc độ nhanh hơn và gần với tiêu cự ống kính tại thời điểm chụp nhất. Tốc độ này được gọi là tốc độ an toàn. Tốc độ chụp thấp hơn, hình ảnh rõ nét bắt đầu phụ thuộc vào sự may rủi.
    Ví dụ: Nếu 35mm thì 1/40; 50mm thì chọn 1/60; 105mm -135mm thì chọn 1/125; 135mm - 200mm thì chọn 1/160; 200mm - 300mm thì chọn 1/250;
    400mm - 500mm thì chọn 1/500...
    Chính vì vậy mà ống kính góc rộng cầm tay chụp đỡ bị nhòe hình nhất. Nhưng dù sao chụp dưới 1/15 cũng phải bấm nhiều phát mới chắc ăn được.
    Em cũng xin nói thêm, các nhiếp ảnh gia cho rằng: Nếu cầm máy vững thì có thể chụp dưới tốc độ an toàn đến 3 nấc.
    Bài học đầu tiên về môn này, em thấy rất ấn tượng. Khi ở nhà hàng xóm, ông bố dạy đồng chí con mỗi tay cầm nửa viên gạch, giơ song song ngang vai,không được cử động... Và đến 01 tháng sau mới được cầm vào cái máy ảnh.


    3.Những nguyên tắc bố cục cổ điển (Tỷ Lệ Vàng)


    - Đường chân trời ở 1/3 hoặc 2/3 chiều cao bức ảnh.
    - Mỗi khuôn hình chỉ có một điểm mạnh.
    - Điểm mạnh này không đặt giữa ảnh mà phải ở toạ độ 1/3 rộng x 1/3 cao.
    - Hướng ánh mắt người xem từ ngoài vào trong bức ảnh.
    - Tận dụng nét lượn chữ S nếu có trong bối cảnh.

    Lưu ý:
    - Vùng bao phủ "loanh quanh" gần những điểm mạnh gọi là vùng mạnh, thưởng là vùng nối hai điểm mạnh.
    - Đường thẳng hay cong xuất phát từ đỉnh, cạnh đến cạnh đối diện nếu đi qua điểm mạnh hoặc chia cạnh ở vị trí 1/3 gọi là đường mạnh, như mấy
    cái đường thẳng ở dưới
    Đấy thực ra cũng là một cách tư duy thêm của dân toán . Ví dụ: Đường kính của đường tròn là dây cung lớn nhất, vậy chúng ta có thể tư duy là vậy các hình khác có đường kính không, nếu có thì đó là gì. Theo cách định nghĩa đó ta cũng có thể gọi cạnh dài nhất của hình tam giác là đường kính hay đường chéo của hình chữ nhất là đường kính của hình chữ nhật..


    4. Luật xa gần (hay còn gọi là định luật viễn cận)

    Được phát biểu đại khái như sau: Những tia nhìn từ mắt tới các vật nếu để xuyên qua một mặt phẳng sẽ đánh dấu trên đó các hình ảnh giống như mắt chúng ta nhìn thấy. Do góc nhìn của mắt ta tới vật tăng hay giảm còn tuỳ theo vật đó ở gần hay xa mắt. Nên khi xuyên qua mặt phẳng, nó sẽ đánh dấu lên đấy một hình ảnh nhỏ hay to, tương ứng với độ xa gần của vật.
    Em không biết các hoạ sĩ học như thế nào chứ riêng về cái Luật xa gần này đối với em (mặc dù là dân Toán) cũng thấy khó vật vã . Áp dụng cho
    nhiếp ảnh nó có vẻ đơn giản hơn, các bạn chỉ nhớ quy luật này như sau: càng gần càng to càng xa càng bé, càng gần càng rõ càng xa càng mờ
    Nếu ai càng đứng gần ta ta càng nhìn rõ màu da, sắc thịt, tóc, quần áo... có nghĩa càng gần càng rõ nét, trong khi ống kính lại rõ nét khi mở khẩu độ lớn,ta phải dùng cách chiếu sáng hoặc có tiền cảnh để tạo xen kẽ mờ rõ làm tăng chiều sâu cho ảnh.
    Cùng những người có kích thước như nhau, càng gần càng thấy to càng xa mắt ta trông càng bé, nên để tăng chiều sau cho ảnh khi chụp hàng dọc ta chụp chéo để nhìn rõ hàng người, người đầu hàng sẽ to người cuối hàng sẽ bé, ảnh sẽ có chiều sâu...


    Chọn máy ảnh

    1. Bạn không nhất thiết phải hiểu cấu tạo điện tử và cách xử lý kỹ thuật số trong máy ảnh để có thể sử dụng chúng. Điều này giống như không cần biết cấu tạo xe ô-tô vẫn có thể lái xe ngon lành.

    2. Máy ảnh đắt tiền không 100% đồng nghĩa với ảnh đẹp

    3. Số lượng "pixels" nhiều hơn không có nghĩa là ảnh sẽ đẹp hơn. Nó còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nữa.

    4. Máy ảnh BCam có zoom cực mạnh không phải lúc nào cũng là niềm tự hào của chủ nhân mặc dù nó được trang bị thêm cả hệ thống chống rung cho hinh ảnh, rất có ích nhất là khi chụp ở vị trí télé.

    5. Không thể đòi hỏi chất lượng ảnh cao, tốc độ thao tác nhanh với loại máy ảnh dCam nhỏ.

    6. Máy ảnh dSLR không đồng nghĩa với việc ảnh sẽ...tự động đẹp hơn.

    7. Việc bạn có môt chiếc máy ảnh dSLR tốt nhất không quan trọng bằng việc bạn biết khai thác nó để chụp ảnh đẹp.

    8. Hiện tại, không phải ống kính nào tốt với SLR thì cũng sẽ cho ảnh đẹp với dSLR

    9. Những gì bạn "nhìn" thấy trên màn hình máy tính không phải bao giờ cũng giống với ảnh "in" ra trên giấy đâu nhé.

    10. Cuối cùng, nên biết mình mua máy ảnh dùng để làm gì? chụp cái gì? Thông tin kỹ thuật là để biết cách khai thác triệt để ưu, nhược điểm của máy chứ không dùng để...khoe.


    Vệ sinh máy ảnh số

    Vệ sinh máy ảnh đúng cách và thường xuyên sẽ giúp máy hoạt động tốt và có độ tuổi sử dụng lâu dài. Với máy ảnh số, bạn có thể tuân theo các bước sau để lau bụi bẩn cho máy.


    Các dạng máy ảnh bỏ túi nhỏ gọn dễ dàng và đơn giản hơn khi làm vệ sinh vì bạn chỉ cần thực hiện các bước như khi làm sạch phần thân một máy ảnh số DSLR.

    Vật dụng cần thiết:

    - Nước lau ống kính

    - Giấy lau ống kính

    - Cọ / bàn chải

    - Bình khí nén



    hực hiện

    1. Lau phần vỏ máy

    Dùng một mảnh vải mềm, mịn, không xơ lau thật kĩ phía bên ngoài máy ảnh. Bạn có thể mua vải lau tại các cửa hàng hoặc dùng bất kỳ mẩu vải nào bạn có nhưng vải phải sạch, không dính hóa chất.

    Lau chùi sạch phần bên ngoài máy ảnh sẽ giúp ngăn chặn bụi bẩn rơi vào bên trong máy ảnh khi bạn tháo rời ống kính khỏi máy.

    2. Làm sạch màn tiêu cự và mặt kính

    Dùng bình khí nén thổi sạch mặt kính và màn tiêu cự. Nếu cần thiết, bạn có thể cố định mặt kính và làm sạch cảm biến với bình khí nén. Tuyệt đối đừng bao giờ dùng tay hay bất cứ vật gì chạm vào cảm biến.

    Do cảm biến rất đắt tiền, nếu không rành và không tự tin vào khả năng, bạn nên mang máy đến các dịch vụ chuyên nghiệp.



    Thông thường máy ảnh và mặt kính hay bị bám bụi. Bạn hãy giữ máy ảnh úp xuống trong quá trình làm sạch bụi để bụi bẩn bay ra ngoài thay vì rơi ngược vào thân máy. Nếu mặt kính bị mờ, bạn có thể sử dụng giấy lau và nước lau ống kính để làm sạch.

    3. Phần thân trước ống kính

    Dùng bình khí nén quét bụi nơi phần đầu (phần thân trước) ống kính. Nếu ống kính bị mờ, hãy dùng giấy lau và nước lau ống kính để tẩy vết mờ.




    Bạn có thể sử dụng kính lọc ánh sáng tự nhiên để bảo vệ phần đầu của ống kính. Khi tháo kính lọc, hãy nhớ lau sạch cả hai mặt kính lọc cũng như phần thân trước ống kính.

    4. Thân sau ống kính

    Vệ sinh giữ sạch phần thân sau ống kính là việc rất quan trọng. Ánh sáng được tập hợp mạnh hơn khi đi qua phần thân sau ống kính. Do vậy, nếu thân sau ống kính bị bám bụi sẽ có nhiều tác hại hơn so với bụi ở phần đầu ống kính.



    Dùng bình khí nén, nước rửa ống kính và giấy lau ống kính làm sạch phần thân sau ống kính theo các thao tác tương tự như khi làm sạch phần đầu ống kính.

    5. Phần đầu và phần lưng máy

    Lau vùng kính phía sau lưng và phía trên máy ảnh. Lau thị kính máy ảnh tương tự như khi lau ống kính. Màn hình điều khiển và hiển thị tuy không “khó tính” như các phần thị kính khác của máy ảnh, nhưng bạn nên lưu ý lau chúng thật thận trọng như khi lau ống kính.



    Nên vệ sinh máy ảnh định kỳ và tuyệt đối chỉ sử dụng các vật dụng dành riêng cho máy ảnh. Các loại nước tẩy rửa bốc hơi, có cồn sẽ gây hư hại cho máy ảnh. Các loại khăn lông, giấy lau mặt thường có thành phần hóa chất nên cũng sẽ gây tổn hại nếu sử dụng cho máy ảnh. Để an toàn, hãy chỉ dùng các thiết bị chuyên dụng cho máy ảnh.

    Lưu ý

    - Luôn lau sạch máy sau khi sử dụng cho các hoạt động ngoài trời như đi biển, lên rừng…

    - Luôn tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn vệ sinh bảo quản máy ảnh của nhà sản xuất.

    - KHÔNG bao giờ tháo rời từng bộ phận máy ảnh.

    - Nếu máy ảnh bị ướt, dùng một mảnh vải mềm khô, không hóa chất lau khô ngay phần phía ngoài máy.

    - Tuyệt đối không sử dụng giấy hoặc khăn giấy để lau các vùng kính trên máy ảnh.


    Chụp ảnh phong cảnh

    Nói đến nhiếp ảnh thì nhất định ta không thể bỏ qua một mảng đề tài lớn và vô cùng hấp dẫn, đó là chụp ảnh phong cảnh và tự nhiên. Với con người thì thiên nhiên là một điều không thể thiếu vì đơn giản cuộc sống luôn gắn liền với nó và như thế tình yêu thiên nhiên là hoàn toàn tự nhiên trong mỗi chúng ta. Ở giữa những đô thị ồn ào và ô nhiễm, một ngày nào đó thong thả về quê hay đi ra khỏi thành phố chừng hơn 10 km bỗng nhiên ta như thấy mình lạc
    vào một thế giới khác, trong trẻo và tốt lành. Trở về với thiên nhiên là trở về với cội rễ của chính lòng mình. Một vài lời phi lộ làm cảm hứng cho một điềm đam mê trong nhiếp ảnh thiên nhiên. Nào chúng ta hãy cùng nhau lên đường.


    Các phương tiện cần thiết để chụp ảnh phong cảnh

    Đây là một trong những câu hỏi căn bản trước khi bắt đầu thực hành nhiếp ảnh bởi vì mỗi một loại phương tiện cụ thể có tác dụng tối đa trong một lĩnh vực nhất định. NTL sẽ cùng bạn tìm hiểu những loại thiết bị nào là cần thiết cho chụp ảnh phong cảnh nhé.


    Chọn loại máy ảnh nào?

    - Máy ảnh cơ chụp phim SLR là một sự lựa chọn lý tưởng vì chúng nhỏ và nhẹ đồng thời các chức năng được hoàn thiện một cách hoàn hảo. Vào thời điểm này thì bạn hoàn toàn có thể lựa chọn chiếc Canon EOS 30v.
    - Máy ảnh kỹ thuật số dòng dSLR có tính năng động cao, cho phép bạn biết ngay được kết quả chụp ảnh nhưng chúng lại bị giới hạn về kích thước của "sensor" dẫn theo những hạn chế về tiêu cự của ống kính góc rộng. Ở đây NTL chỉ muốn đề cập tới các loại máy dSLR dành cho các bạn chụp ảnh nghiệp dư mà thôi (dòng máy Pro như Canon 1Ds có sensor bằng kích thước phim nhưng giá thành rất cao) Thêm nữa các ống kính góc rộng như chiếc 12-24 DX của Nikon giá cũng khá đắt. Hiện tại thì sự lựa chọn hay nhất là chiếc Nikon D70 (giá khoảng 1200$ cho thân máy và zoom 18-70DX) nếu bạn đã có các ống kính của Canon thì nên đợi một chút để mua chiếc Canon 3000D với giá cho thân máy khoảng 600$ vào tháng 9-2004. Chiếc Canon 300D hiện hành sẽ không còn là hấp dẫn nữa khi chiếc 3000D ra đời với nhiều tính năng được thừa hưởng của Canon 10D.
    - Các máy ảnh số dòng dCam và BCam cũng có thể đáp ứng những đòi hỏi căn bản của thể loại ảnh phong cảnh nhưng chúng thường bị giới hạn ở ống kính 28 mm là tối đa và khẩu độ mở của ống kính cũng thường chỉ nằm xung quanh f/8.


    Chọn loại ống kính nào?

    Với thể loại ảnh phong cảnh thì ống kính góc siêu rộng là thích hợp nhất. Giới hạn cuối cùng của ống kính dùng cho ảnh phong cảnh là 24 mm. Tuy nhiên bạn cần lưu ý tới hiện tượng méo hình ở viền ảnh do đặc trưng cấu tạo quang học của loại ống kính này.
    Khi sử dụng bạn nên luôn lưu ý giữ gìn ống kính sạch sẽ vì chỉ cần một vết bẩn nhỏ sẽ tạo ra hiện tượng nhoè sáng và làm hỏng bức ảnh của bạn. Sử dụng loa che nắng 100% trong mọi hoàn cảnh là lời khuyên của NTL.
    Bạn cũng không cần thiết phải đầu tư nhiều tiền cho một chiếc ống kính nhạy sáng có khẩu độ mở lớn như f/2,8 chẳng hạn lý do đơn giản vì bạn sẽ thường xuyên sử dụng các khẩu độ giữa f/16 và f/22 với máy SLR và f/11 với máy dSLR (bạn nên tránh dùng các khẩu độ ống kính khép nhỏ hơn f/11 vì sẽ bị hiện tượng tán xạ của hình ảnh)
    NTL xin đơn cử hai chiếc ống kính dùng cho ảnh phong cảnh: loại zoom 17-35mm cho phép mở rộng tầm chụp ảnh và loại 70-300 mm cho các chi tiết ở xa.
    Điều cuối cùng là bạn nên sử dụng chiếc nút kiểm tra độ sâu của trường ảnh trước khi bấm máy nhé.


    Chọn loại chân máy ảnh nào?

    Với khẩu độ mở của ống kính thường xuyên khép sâu thì việc sử dụng chân máy ảnh trong chụp ảnh phong cảnh là cần thiết để tránh rung máy khi chụp với tốc độ chậm. Tuy nhiên để có thể tiếp cận với các phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời thì bạn cũng sẽ phải vượt qua những chặng đường đi bộ đáng kể đấy nhé và như thế thì trọng lượng của thiết bị là rất quan trọng. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại chân máy ảnh được làm bằng vật liệu tổng hợp
    các-bon cho độ cứng cần thiết và trọng lượng nhẹ. Bạn có thể tham khảo nhãn hiệu nổi tiếng Manrotto nhé. Đầu tư cho một chiếc chân máy ảnh tốt không bao giờ phí phạm vì bạn sẽ sử dụng nó cả đời mình một cách hoàn toàn hài lòng.


    Sử dụng các loại kính lọc nào?

    - Đầu tiên là chiếc kính lọc "Circular Polariser Filter", nó là một thiết bị không thể thiếu với thể loại ảnh phong cảnh.
    - Nếu bạn chụp với phim đen trắng thì chiếc kính lọc Đỏ sẽ làm cho mầu xanh thật sự đen trong khi đó kính lọc mầu Vàng sẽ làm sắc trời xanh sâu hơn rất nhiều.
    - Chiếc kính lọc làm tăng tông mầu ấm cho ảnh như gam số 81 cũng rât hữu ích trong những ngày thời tiết xấu.
    - Kính lọc "Graduated ND" rất hữu dụng khi bầu trời quá sáng so với mặt đất hay bạn có thể làm cho hình ảnh của bầu trời sâu hơn rất nhiều.
    [​IMG]
    Phong cảnh thung lũng Interlaken, Thuỵ sĩ.
    Máy ảnh Canon S400.


    Có lẽ bạn sẽ hỏi mình là trong thể loại ảnh phong cảnh này thì những yếu tố nào là quan trọng, cần đặc biệt quan tâm? Nếu nói đơn thuần về kỹ thuật thì nó chính là Ánh sáng, độ nét sâu của trường ảnh, độ bão hoà mầu sắc. Còn nếu nói về hình thức thể hiện thì nó lại nằm trong mấy điểm chính sau:

    - Bố cục Đường nét, Điểm nhấn
    - Chất liệu
    - Mầu sắc

    Trước hết để có thể chụp được những tấm ảnh phong cảnh đẹp thì bạn cần có óc quan sát và một trí tưởng tưởng phong phú bởi vì đôi khi những cảnh đơn giản nhất xung quanh ta lại hoàn toàn có thể trở thành một tấm ảnh đẹp nếu tìm được một góc nhìn mới lạ. Vậy thì trước khi ngắm qua khuôn hình của máy ảnh bạn hãy để một vài phút quan sát kỹ lưỡng cảnh vật để hiểu rằng mình muốn thể hiện điều gì? Chú ý hướng tới của ánh sáng tự nhiên, các bề mặt phản xạ và thử tìm một chi tiết nào đó hấp dẫn. Bước tiếp theo sẽ là nhìn lại những gì bạn vừa quan sát qua khuôn ngắm của máy ảnh.

    1. Bố cục

    Trong thể loại ảnh phong cảnh thì bố cục mang tính quyết định quan trọng tới giá trị của tấm ảnh do đó bạn cần dành thêm thời gian cho công việc này.
    Điều mà đa phần các bạn mới chụp ảnh hay mắc phải là các bố cục thiếu cân đối, rườm rà và đường chân trời hay bị lệch. Một vài giấy trước khi bấm máy bạn thử kiểm tra lại xem xung quanh khuôn hình của mình có những tiểu tiết thừa nào không nhé? Nếu có thì chỉ việc xoay máy ảnh đi để có được một tấm ảnh đẹp. Ở đây ta lại nói về nguyên tắc bố cục 1/3 có nguồn gốc từ các hoạ sĩ vẽ tranh:
    [​IMG]

    Về nguyên tắc thì nếu như bạn có thể đặt đường chân trời ở 1/3 độ cao của tấm ảnh thì sẽ rất cân đối nhưng điều này không phải là hoàn toàn bắt buộc.
    Bố cục của tấm ảnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố của phong cảnh tự nhiên nữa. Với các ống kính góc rộng và khi bầu trời không có gì hấp dẫn thì việc chúc máy xuống đất tìm một chi tiết hấp dẫn cho tiền cảnh lại là hợp lý.
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Nếu như bạn để ý và cùng với những kinh nghiệm thực tế cho thấy thì trong 4 điểm nhấn của bố cục cổ điển thì điểm nhấn dưới cùng bên phải thường gây một hiệu quả ấn tượng hơn cả.
    [​IMG]

    Để tạo sức sống hay sự chuyển động, thu hút cái nhìn vào một hướng cụ thể thì việc sử dụng các đường nét có sẵn trong thiên nhiên là vô cùng quan trọng. Nói chung thì một tấm ảnh "động" dễ chụp hơn một tấm ảnh "tĩnh". Bạn hãy quan sát ví dụ dưới đây.
    [​IMG]
    Photo By EyalDor Ofer.
    Những đường nét chuyển động đã làm cho một tấm ảnh rất bình thường trở nên hấp dẫn.


    [​IMG]
    Photo By LucPappens.
    Một ví dụ hoàn hảo nữa về bố cục và đường nét trong ảnh phong cảnh. Tất cả những đường cày uốn cong dẫn ta tới điểm nhấn là ngôi nhà nổi bật trên nền trời đầy ấn tượng.
    Đôi khi bố cục cũng được tạo nên một cách tự nhiên như một khuôn hình có sẵn, bạn chỉ cần quan sát và...bấm máy mà thôi


    [​IMG]
    Photo By Molnar.
    Nếu như trong tranh Thuỷ Mặc ta vẫn hay nghe nói tới những khái niệm và tính tượng hình của Sơn và Thuỷ, bản thân chữ Phong cảnh trong tiếng Trung Quốc được ghép bởi hai chữ Sơn Thuỷ liền với nhau, thì trong ảnh phong cảnh hai yếu tố này cũng có tầm quan trọng quyết định cho dù chúng được diễn giải bằng cách này hay cách khác.


    Nói về "Chất liệu" trong ảnh Phong cảnh tức là nói về sự biến đổi, sự khác biệt giữa các mảng hình trong tấm ảnh về yếu tố cấu thành nên nó. Chẳng hạn như một dãy núi đá, một cánh rừng đại ngàn, một cánh đồng mênh manh, một mặt nước phẳng lặng...Mỗi một chất liệu ấy đều có tiếng nói và cách biểu cảm riêng của mình. Có bao giờ bạn tự hỏi mình tại sao sự có mặt của "Nước" trong các tấm hình phong cảnh thường mang lại cảm giác tĩnh tại, nhẹ nhàng trong khi đó những cánh rừng lại có vẻ huyền bí, âm u...? Sự phong phú về "Chất liệu" trong ảnh phong cảnh là một yếu tố tạo nên những cảm xúc tự nhiên cho người xem ảnh. Tuy nhiên khi nói về "Chất liệu" thì ta cũng hay nói về "Mầu sắc" của chúng.
    [​IMG]
    Photo By Devon.
    Một tấm ảnh phong cảnh có thể chỉ là một nội dung tả thực nhưng nó cũng hoàn toàn có thể là một bức tranh đầy ấn tượng với những mảng khối mầu siêu hình. Khi ta đặt tất cả những yếu tố thiên nhiên tồn tạo trong không gian 3 chiều (hay n chiều) ấy lại với nhau trong một mặt phẳng 2 chiều nghĩa là ta đã tước bỏ đi của chúng những kích thước có thật, sự tồn tại của chúng, bối cảnh và không gian có thực...để "bắt "lấy những cảm xúc bất tử, cái gọi là Nhiếp ảnh. Thiên nhiên đã luôn là như thế trước và sau thời điểm bấm máy của bạn, chỉ có cái nhìn sáng tạo là đem lại một khuôn hình mới.



    [​IMG]
    Photo By North Wind.
    Sử dụng yếu tố mặt nước như một chiều khác của hình ảnh là rất quan trọng trong ảnh phong cảnh. Những bóng đổ, những phản xạ của ánh sáng trên mặt nước...tất cả hợp thành phong cảnh. Ta hay có cảm giác bầu trời trống rỗng nhưng điều ấy lại ít được cảm thấy với mặt nước trong ảnh phong cảnh.


    [​IMG]
    Photo By Anabela.
    Khi nước được kết hợp với ánh sáng và chất liệu một cách hợp lý thì hiệu quả đôi khi thành công một cách bất ngờ.


    [​IMG]
    Photo By Kenvin V.
    Mầu sắc chính là yếu tố quan trọng để làm nên sự khác biệt về hình khối và đường nét trong ảnh phong cảnh. Sự tương phản hay kết hợp hài hoà của mầu sắc cũng đem lại một hiệu quả tâm lý không nhỏ. Xét cho cùng thì ảnh phong cảnh chính là tổng hoà của mầu sắc trong thiên nhiên. Chỉ một cái nhìn tinh tế về mầu sắc là đủ để cho một tấm ảnh phong cảnh thành công.
    [​IMG]


    Một điểm nữa cần lưu ý với dòng nước chảy trong ảnh phong cảnh là tốc độ chậm sẽ tạo nên một hiệu quả nghệ thuật rất ấn tượng
    [​IMG]


    Ánh sáng trong Studio :

    Mỗi nguồn sáng được quyết định bởi:

    _ Độ gắt/dịu
    _ Độ sáng
    _ Hướng sáng
    _ Nhiệt độ màu
    _ Khoảng cách từ nguồn sáng tới chủ đề

    I/ Độ gắt/dịu

    1. Xác định:

    Để biết được nguồn sáng gắt hay dịu ta dựa vào các vùng bóng đổ trên chủ đề. Các vùng này càng đậm và rõ bao nhiêu, thì nguồn sáng gắt bấy nhiêu và ngược lại, càng mờ càng dịu. Cách đơn giản nhất để xác định là dùng đôi tay của chính bạn. Bạn hãy đưa một ngón tay trước nguồn sáng, sao cho bóng của ngón tay này đổ trực tiếp trên lòng bàn tay còn lại. Trong trường hợp tay kia của bạn bị bận thì có thể nhờ tạm bàn tay của người mẫu, chỗ khác cũng được nhưng phải cẩn thận ;). Nếu bạn thấy bóng của ngón tay đậm, rõ ràng thì nguồn sáng là gắt. Ngược lại nếu bóng của ngón tay mờ hoặc rất mờ thì ánh sáng là dịu hoặc rất dịu.

    2. Nguyên nhân:

    Ánh sáng gắt: là do nguồn sáng nhỏ, xa chủ đề. Hoặc nguồn sáng lớn nhưng do cách quá xa chủ đề nên các “tia” sáng tiếp cận chủ đề coi như song song. Cụ thể:
    Đèn flash gắn trực tiếp trên máy, hướng thẳng vào chủ đề mà không qua một thiết bị/đối tượng tán sáng nào.
    Đèn flash trong studio có hoặc không có sử dụng loa che sáng thông thường. Việc dùng tổ ong (horney comb) cũng cho kết quả tương tự. Đèn halogen, HMI… nói chung là bất cứ loại gì mà trong khi sử dụng, cho nguồn sáng nhỏ, “tia” sáng tiếp cận chủ đề gần như song song.
    Ngoài trời thì ánh sáng mặt trời khi đã lên cao, trời không mây và chiếu thẳng trực tiếp lên chủ đề. So với trái đất thì mặt trời to hơn rất nhiều nhưng do ở quá xa nên trong thực tế thì cũng cỡ cái đĩa to là cùng.
    Ánh sáng gắt thường cho ra các bức ảnh có độ tương phản cao, nổi rõ chi tiết của chủ đề.

    Ánh sáng dịu: là do nguồn sáng lớn, gần chủ đề hoặc đi xuyên qua/phản xạ từ các chất liệu/bề mặt tán sáng, ví dụ soft box, vải dù, giấy can, tạt sáng, tường nhà, trần nhà, ánh sáng mặt trời xuyên qua mây, hay trong những ngày trời đầy mây, v.v… Trong thực tế nguồn sáng được đặt càng gần chủ đề bao nhiêu thì càng dịu bấy nhiêu. Nói cách khác khi các “tia” sáng tiếp cận chủ đề theo vô số hướng khác nhau sẽ cho hiệu ứng dịu, hay còn gọi là nguồn sáng tán. Vậy nếu bạn đi mua các thiết bị tạo ánh sáng dịu như dù, soft box, tạt sáng, thì càng to càng tốt. Trong trường hợp lâm thời bạn có thể sử dụng ngay trần nhà, vách tường sáng để tạo ánh sáng dịu, chỉ có điều cẩn thận khi trần hay tường nhà có màu không phải màu trung tính. Lý do là các màu khác màu trung tính sẽ ảnh hưởng đến màu sắc của bức ảnh.
    Ánh sáng dịu thích hợp cho các ảnh có độ tương phản thấp, các ảnh không có yêu cầu cao về chi tiết vật chụp, hay thậm chí làm mờ đi chi tiết bề mặt vật chụp.


    3. Ứng dụng

    Như phân tích ở trên ta thấy rằng để có được những khoảng hoàn toàn đen thì ánh sáng chiếu đến các vùng này phải thấp, yếu sao cho trị số những vùng đó trên film, sensor nằm trong khoảng mù tối. Trong thực tế thường các vùng này có chỉ số đo thấp hơn ít nhất 3 khẩu (3 stop) so với khẩu độ chụp. Trị số thực tế phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng càng ít hơn càng tốt. Vậy nếu bạn muốn có một bức ảnh với phông đen hoàn toàn thì làm sao đó phông của bạn được chiếu sáng thiếu ít nhất là 3 khẩu.
    Ngược lại để có được những vùng trắng hay phông trắng thì ánh sáng chiếu đến các vùng này phải cao, cao sao cho trị số những vùng đó trên film, sensor nằm trong khoảng mù sáng. Trong thực tế thường các vùng này có chỉ số đo cao hơn ít nhất 1 1/2 khẩu so với khẩu độ chụp. Trị số thực tế phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng đừng quá cao. Nếu cao quá ảnh có thể bị mù, hallow hay không trong.
    Theo nguyên lý trên thì, trong chụp ảnh chân dung, việc chiếu sáng chủ đề sao cho các vùng muốn che dấu khuyết điềm nằm trong các khoảng mù, hoặc gần sát với khoảng mù. Cụ thể nếu bạn chiếu sáng khuôn mặt của người mẫu hơi dư sáng một chút thì sẽ không thấy được các khuyết điểm về da của người mẫu, cũng như các nếp nhăn trở nên không rõ ràng, khó xác định và ngược lại bạn có thể che các khuyết điểm này trong khoảng mù tối.
    Trong chụp ảnh sản phẩm thì việc có các khoảng mù tối hay mù sáng xuất hiện trong ảnh không được ủng hộ lắm, nhất là hình dùng trong bao bì sản phẩm. Nơi mà mọi thứ cần phải rõ ràng, trung thực.
    Trong quảng cáo thì vô cùng, nhưng các khoảng mù sáng không nên có, lý do là các thiết bị in offset sẽ tạo nên các bước nhảy gắt từ vùng an toàn đầy đủ thông tin sang vùng mù sáng và làm cho bức ảnh không êm, hiếm có nhà làm thiết kế/quảng cáo chuyên nghiệp nào chấp nhận điều này.
    Ngược lại nếu muốn có những bức ảnh chân dung mà ở đó đòi hỏi lột tả chi tiết chân dung nhân vật thì: Nhỏ, gắt, xa.
    Ảnh tĩnh vật, quảng cáo, sản phẩm…:
    Tương tự như trong chụp chân dung nêu trên, nếu bạn mong muốn có những hình ảnh có độ tương phản cao, nổi rõ chi tiết bề mặt vật chụp thì trong đa số các trường hợp: Nhỏ, gắt, xa sẽ cho kết quả như ý. Ngược lại: To, dịu, gần sẽ cho các ảnh có độ tương phản thấp, dịu, thậm chí mơ màng, chi tiết bề mặt vật chụp không rõ nét, sắc sảo. Ngoài ra, ánh sáng gắt dễ tạo nên các điểm lóa sáng trên chủ đề, đặc biệt là các vật, thủy tinh, kim loại bóng, hay các vật bóng nói chung. Ngược lại, ánh sáng dịu ít tạo nên các điểm lóa sáng trên các loại vật chụp/chủ đề nêu trên.


    II/ Độ sáng:

    Đối với nhiều người thì đây là khái niệm quá quen thuộc nói ra có vẻ thừa, nhưng không hẳn vậy.

    1. Xác định

    Độ sáng của một nguồn sáng phụ thuộc chính vào khả năng và công xuất của nguồn sáng và được xác định bằng các thiết bị đo, hay các phép tính cụ thể. Nhiều người sử dụng kinh nghiệm của mình và đôi khi rất chính xác. Đối với tôi, chắc chắn nhất vẫn là máy đo.
    Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, thiết bị đo ánh sáng của các hãng khác nhau với giá từ vài chục USD tới hơn một ngàn USD, nhưng theo tôi cứ cái nào cho kết quả đúng và chính xác là tốt rồi, nhất là khi ngân sách cho chụp ảnh eo hẹp.
    Ánh sáng của một tấm ảnh còn phụ thuộc vào các yếu tố khác trong khi chụp như độ nhạy sáng của film hay sensor, khẩu độ ống kính, và tốc độ chụp. Tuy nhiên, để cho đơn giản ta tạm qui ước là các thông số này giữ nguyên, chỉ có cường độ ánh sáng là thay đổi thôi.

    2. Tác dụng:

    Cường độ ánh sáng quyết định chi tiết cho một tấm ảnh. Film, sensor có khả năng cảm nhận ánh sáng thấp hơn nhiều so với mắt người. Tại những khoảng của cường độ sáng nhất định, chi tiết của vật chụp không được thể hiện trên film, hay sensor, tôi tạm gọi đó là các khoảng mù.
    Có hai khoảng mù: khoảng quá tối và khoảng quá sáng. Điều này đặc biệt quan trọng nhất là các hình ảnh của bạn được in lại bằng công nghệ in offset thông thường, nơi mà khoảng mù này rộng nhất so với các thiết bị/chất liệu thể hiện hình ảnh thông thường (monitor, giấy ảnh ,


    Nhìn trên đồ thị RGB histogram của một bức ảnh (bạn có thể xem đồ thị RGB level của một bức ảnh cũng được) thì những phần có trị số RGB thấp hơn 25 (chắc chắn nhất là 28) tạm gọi là khoảng mù tối. Những phần của chủ đề nằm trong khoảng này gần như hay hoàn toàn không thể hiện chi tiết trên film, sesor, nói cách khác là không thấy gì, tối đen. Những phần trên bức ảnh có trị số RGB cao hơn 249 (chắn chắn nhất là 245) tạm gọi là khoảng mù sáng. Tại những phần này chi tiết vật/chủ đề chụp trên film, sensor gần như không được thể hiện, trắng tinh. Điểm yếu này của film trong những trường hợp cụ thể có thể có lợi, hoặc bất lợi. Vậy ứng dụng của nó là gì?

    3. Ứng dụng

    Như phân tích ở trên ta thấy rằng để có được những khoảng hoàn toàn đen thì ánh sáng chiếu đến các vùng này phải thấp, yếu sao cho trị số những vùng đó trên film, sensor nằm trong khoảng mù tối. Trong thực tế thường các vùng này có chỉ số đo thấp hơn ít nhất 3 khẩu (3 stop) so với khẩu độ chụp. Trị số thực tế phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng càng ít hơn càng tốt. Vậy nếu bạn muốn có một bức ảnh với phông đen hoàn toàn thì làm sao đó phông của bạn được chiếu sáng thiếu ít nhất là 3 khẩu.
    Ngược lại để có được những vùng trắng hay phông trắng thì ánh sáng chiếu đến các vùng này phải cao, cao sao cho trị số những vùng đó trên film, sensor nằm trong khoảng mù sáng. Trong thực tế thường các vùng này có chỉ số đo cao hơn ít nhất 1 1/2 khẩu so với khẩu độ chụp. Trị số thực tế phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể nhưng đừng quá cao. Nếu cao quá ảnh có thể bị mù, hallow hay không trong.
    Theo nguyên lý trên thì, trong chụp ảnh chân dung, việc chiếu sáng chủ đề sao cho các vùng muốn che dấu khuyết điềm nằm trong các khoảng mù, hoặc gần sát với khoảng mù. Cụ thể nếu bạn chiếu sáng khuôn mặt của người mẫu hơi dư sáng một chút thì sẽ không thấy được các khuyết điểm về da của người mẫu, cũng như các nếp nhăn trở nên không rõ ràng, khó xác định và ngược lại bạn có thể che các khuyết điểm này trong khoảng mù tối.
    Trong chụp ảnh sản phẩm thì việc có các khoảng mù tối hay mù sáng xuất hiện trong ảnh không được ủng hộ lắm, nhất là hình dùng trong bao bì sản phẩm. Nơi mà mọi thứ cần phải rõ ràng, trung thực.
    Trong quảng cáo thì vô cùng, nhưng các khoảng mù sáng không nên có, lý do là các thiết bị in offset sẽ tạo nên các bước nhảy gắt từ vùng an toàn đầy đủ thông tin sang vùng mù sáng và làm cho bức ảnh không êm, hiếm có nhà làm thiết kế/quảng cáo chuyên nghiệp nào chấp nhận điều này.

    III/ Hướng sáng

    Trực diện (frontal lighting), ngược (back lit), xiên (side lighting), trên xuống (top lighting), dưới lên (lighting from the bottom) là những từ người ta dùng để nói về hướng sáng. Đọc các từ này thì chắc các bạn cũng có thể mường tượng được vấn đề. Ở đây tôi chỉ bàn về các ứng dụng của từng loại.

    Trực diện, với vị trí nguồn sáng chiếu trực tiếp vào đối tượng, hay nguồn sáng nằm trên trục của ống kính, ví dụ rõ ràng nhất đó là đèn flash gắn trực tiếp trên thân máy, hay ống kính (đèn flash tròn, ring flash), hay bạn treo đèn ngay phía trên hay dưới ống kính, hay bất cứ vị trí nào miễn là luồng sáng chiếu trực tiếp lên chủ đề được coi như trực diện. Khi đó mọi bóng đổ đều nằm khuất phía sau vật chụp. Tại vị trí này, cái gì nằm trong “khoảng nhìn” của ống kính đều được chiếu sáng gần như nhau. Với cách bố trí đèn như vậy thì chủ đề xuất hiện trong bức ảnh sẽ rất rõ về hình dạng, bù lại thì chi tiết, cấu trúc bề mặt vật chụp không bật lên được, bức ảnh bẹt (flat), không nổi khối, nhất là nguồn sáng là nguồn sáng dịu. Cách bố trí ánh sáng này chỉ phù hợp với hình nghiên cứu, khoa học, hình chụp lại (copy) các văn bản giấy tờ, hình ảnh không phản sáng. Nói thế không có nghĩa cách bố trí đèn này không phù hợp trong chụp chân dung thời trang.
    Trong ảnh chân dung và thời trang thì cách bố trí này đa số dùng để làm đèn phụ (fill light) để xóa bớt các bóng do các nguồn sáng chính tạo nên. Nếu nguồn sáng là nguồn sáng dịu/tán thì việc nâng cao vị trí đèn về phía trên ống kính sẽ cho bạn một kiểu ánh sáng chân dung, thời trang rất đẹp. Nếu bạn xem báo thời trang nước ngoài thì đa số hình bìa hay các hình người mẫu chính được chụp với nguồn sáng chính tại vị trí này. Đơn giản vì hình sẽ có bố cục ánh sáng đều, ưa nhìn, các khiếm khuyết về da và gương mặt ít lộ rõ nhất. Trong thực tế sử dụng thì phải bố trí các nguồn sáng phụ khác để xóa bóng phía sau chủ đề.

    Ngược, nguồn sáng đặt phía sau chủ đề và hướng thẳng về phía ống kính. Với vị trí bố trí này

    thường thì toàn bộ phần biên của chủ đề sẽ nổi rõ, phía trước chủ đề tối đen. Cách bố trí này nhằm tạo đường ven cho chủ đề, hay dùng để tách chủ đề ra khỏi phông. Nếu bố trí cao thì có thể coi như đèn tóc (hair light), chếch sang hai bên thì để tạo ven hay kicker (thứ lỗi cho tôi không bíết gọi bằng gì trong tiếng Việt). Bố trí thì dễ nhưng khai thác và làm chủ loại ánh sáng này thì khó do rất dễ bị lóa sáng (flare) hay bức ảnh nhìn giả tạo, chát. Tuy nhiên nếu làm chủ được loại ánh sáng này thì ảnh sẽ rất dễ đẹp. Ở Việt Nam thì hay được dùng trong chụp ảnh nude, nhiều bức đẹp vô cùng!

    Trên xuống, nguồn sáng nằm trực diện phía trên đỉnh đầu vật chụp. Cách bố trí này ít được dùng trong ảnh chân dung nó tạo nên các khoảng tối thui phía dưới hốc mắt, dưới mũi, và dưới cằm, có thể là vài chỗ nữa (tùy theo trang phục của người mẫu ;), nhất là khi nguồn sáng nhỏ và xa chủ đề. Nếu đặt hơi chếch về phía sau thì có vai trò làm đèn tóc. Trong chụp hình sản phẩm thì cách bố trí này cũng hay được dùng nhưng thường là hơi chếch về phía trước chủ đề và nguồn sáng thường to, tán/dịu, gần.

    Dưới lên, nguồn sáng được chiếu trực tiếp từ dưới lên. Cách bố trí đèn như thế này rất ít dùng trong ảnh chân dung, nó làm cho người xem khó chấp nhận, do đi ngược lại trong tự nhiên. Trong tự nhiên ít khi nào bạn gặp thứ ánh sáng này. Trong phim thì nhiều hơn, và đa số là trong các phim ma, kinh dị. Trong chụp ảnh sản phẩm thì loại ánh sáng này có chỗ đứng nhất định, nó được dùng để xóa bóng, soi sáng vật chụp, tuy nhiên phải cẩn thận, do như đã nói dễ cho ảnh không thật, giả tạo.

    Xiên, đây là loại cho hiệu quả dễ đẹp nhất, an toàn nhất trong tất cả các loại. Vị trí của đèn nằm ngoài các vị trí đặc biệt nêu trên và ngang hay quá lắm là hơi sau chủ đề một tí thôi.
    Trong thực tế, con mắt và thần kinh của chúng ta quen nhất với loại ánh sáng này. Nó làm cho việc phân biệt bề mặt chi tiết đối tượng, hình khối của đối tượng dễ dàng nhất. Nếu không phải nhằm tạo hiệu ứng gì quan trọng, cầu kỳ hay thậm chí cải lương thì tôi thích sử dụng loại ánh sáng này nhất. Nhiều khi chúng ta cứ tự làm khó mình khi bắt ép chính chúng ta phải tạo ra các bức ảnh với hiệu ứng đặc biệt, sử dụng quá nhiều nguồn sáng khác nhau cùng một lúc. Đặc biệt thì đôi khi đặc biệt thật, nhưng đẹp, ưa nhìn hay không thì lại là chuyện khác. Loại hướng sáng như thế này đã được các bậc thầy về hội họa sử dụng hàng thế kỷ trước khi có phát minh ra máy chụp ảnh và các bức họa của họ thì tới bây giờ hậu thế cũng phải thán phục.
    Do nằm chếch về một phía so với trục máy ảnh-chủ đề nên các bóng đổ do nguồn sáng ở các hướng này luôn được tạo ra. Chính sự xuất hiện của các bóng này mà ta biết được hướng của nguồn sáng, hình khối của vật chụp, chi tiết, cấu trúc bề mặt vật chụp. Vấn đề còn lại là đặt ở đâu là đẹp nhất theo quan điểm của người chụp là điều đáng để quan tâm. Trong chụp ảnh chân dung, thường thì nguồn sáng này được đặt chếch một hướng 45 độ so với trục máy ảnh-người mẫu và hơi cao lên phía trên người mẫu và máy ảnh.

    Điều cuối cùng tôi muốn nói ở đây là, trong chụp ảnh chân dung việc đặt nguồn sáng xê xích, qua lại, lên xuống đôi ba tấc không quan trọng nhưng trong chụp ảnh quảng cáo, thực phẩm, và các sản phẩm nhỏ, việc xê dịch nguồn sáng vài phân thôi cũng có thể làm nên bức ảnh đạt nhưng cũng có thể phá hỏng một bức ảnh đúng ra rất đẹp.

    IV/ Nhiệt độ màu

    Nói tới ánh sáng không thể không nói tới nhiệt độ màu. Không chỉ nhiệt độ màu có tác động trực tiếp tới màu sắc của vật chụp trong bức ảnh mà nó còn tạo hiệu ứng thời điểm, tâm trạng (mood), xúc cảm cho bức ảnh. Bức ảnh tông sáng với ánh sáng hơi xanh cho ta cảm giác nó được chụp vào buổi sáng, trong lành. Cũng với bức ảnh đó nhưng ám sắc vàng óng cho ta cảm giác của một buổi hoàng hôn lãng mạn. Và cũng với bức ảnh đó nhưng ánh sáng xanh xao, nhờ nhờ cho ta cảm giác nó được chụp vào buổi tối dưới ánh đèn neon yếu ớt. Vậy cụ thể nhiệt độ màu là gì.
    Người ta dùng nhiệt độ K để chỉ nhiệt độ màu. Khi nung nóng một thanh sắt, thì tại một nhiệt độ bất kỳ nào đó, thanh sắt sẽ phát ra một màu nhất định. Dựa trên hiện tượng này người ta đo đạc và đưa ra khái niệm nhiệt độ màu. Về cơ bản thì nhiệt độ càng thấp, ánh sáng càng đỏ, nhiệt độ càng cao thì ánh sáng càng xanh. Ví dụ khi ta bật bật lửa gaz lên thì phần màu vàng phía trên ngọn lửa có nhiệt độ thấp hơn phần màu xanh của ngọn lửa, trong hàn hơi (gió đá) cũng vậy. Vậy lần sau khi mồi thuốc lá bạn nên dí điếu thuốc vào phần có lửa xanh nhé, nhanh hơn cỡ vài phần của giây đấy :).
    Thế nào là một bức ảnh/hình đúng nhiệt độ màu? Lấy gì làm chuẩn? Trong nhiếp ảnh và in ấn một bức ảnh/hình được gọi là đúng nhiệt độ màu nếu những vật thể, chủ đề trong bức ảnh/hình đó có màu sắc giống như vật thể, chủ đề thực khi so sánh trong cùng điều kiện ánh sáng trắng (day light), hay ánh sáng có nhiệt độ 5,500 độ K.
    Làm sao để xác định được nhiệt độ màu của nguồn sáng? Chắc bạn sẽ nghĩ ngay tới máy đo. Vâng đúng như thế, nhưng nếu bạn không muốn hay không sẵn sàng chi cho khoản tiền vài trăm tới trên dưới một ngàn USD thì cũng ổn thôi. Thực ra chụp ảnh không phải là một ngành đòi hỏi chính xác tuyệt đối. Việc chênh nhau vài chục độ K hay thậm chí 100 độ K thì cũng chả khác nhau là mấy.
    Trong thực tế thì ta có thể tạm dùng các loại film chụp ảnh, filter trên ống kính hay trên đèn để có được bức ảnh đúng nhiệt độ màu trong những trường hợp cụ thể. Dùng như thế nào, loại nào thì chắc bạn phải hỏi nhà sản xuất, tôi thì chịu. Đối với đa số các máy kỹ thuật số thì thường máy sẽ có cách để tự động nhận biết nhiệt độ màu của chủ đề sắp chụp (Auto White Balance) mặc dù đôi lúc các tính năng này dở vô cùng, thường là trong môi trường ánh sáng nhân tạo, hay ánh sáng yếu. Trong các máy kỹ thuật số chuyên nghiệp thì việc đạt được cân bằng trắng dễ dàng hơn, do có nhiều lựa chọn hơn cho người sử dụng, những nhà chuyên nghiệp. Cụ thể bạn có thể chọn các tùy chọn định trước, auto, hay xác lập nhiệt độ màu chính xác theo như nhiệt độ màu mà bạn đã biết hay đo được. Nếu bạn vẫn không thành công thì tôi có trình bày một cách đơn giản để có bức ảnh cân bằng trắng
    Đa số các đèn flash thông thường có nhiệt độ màu khoảng từ 5,000 độ K tới 5,500 độ K. Đèn halogen, đèn tóc (tungsten) thì thấp hơn, khoảng 2,800 tới 3,200 độ K. Ngoài trời thì nhiệt độ ánh sáng trời không mây, vào buổi trưa có nhiệt độ khoảng 5,500 độ K. Trong bóng râm khoảng 7,500 độ K, trời đầy mây khoảng 6,500 độ K, ánh sáng đèn neon trắng thông thường khoảng 3,800 độ K.
    Biết được nhiệt độ màu của nguồn sáng rồi thì việc bắt bức ảnh có sắc màu theo ý mình không khó lắm. Trong máy kỹ thuật số, hay trong khi xử lý ảnh trong các chương trình chuyển đổi file raw thì muốn bức hình đúng cân bằng trắng, thì bạn phải chọn đúng nhiệt độ màu của nguồn sáng dùng tại thời điểm chụp. Muốn hình ám sắc vàng thì chọn nhiệt độ màu cao hơn thực tế, ngược lại nhiệt độ màu thấp hơn thực tế sẽ cho ảnh ám sắc xanh. Đối với tôi, trong chụp ảnh người mẫu tôi chụp với đèn flash và chọn nhiệt độ màu khoảng 6,000 độ K. Như vậy thường những ảnh của tôi luôn có sắc vàng như chụp dưới ánh sáng mặt trời lúc hoàng hôn.

    Trình bày vấn đề về nhiệt độ màu này một cách đơn giản trên giấy thật khó đối với tôi, nhất là phần áp dụng, theo tôi cách đơn giản nhất là chịu khó chụp thật nhiều với các tùy chọn khác nhau và bạn sẽ có được kinh nghiệm về vấn đề này. Tôt hơn cả là trước khi tiến hành thực tập bạn nên đọc thật kỹ các cách thức lấy cân bằng trắng trên máy từ sách hướng dẫn của nhà cung cấp.


    V/ Khoảng cách từ nguồn sáng tới chủ đề

    Bao xa đó chính là câu hỏi ở đây. Ảnh hưởng của nó như thế nào trong thực tế?
    Như trên đã nói, nguồn sáng càng gần chủ đề thì càng dịu, càng xa chủ đề thì càng gắt. Nếu chỉ có vậy thì không nói làm gì, nhưng khoảng cách của nguồn sáng tới chủ đề sẽ quyết định cường độ sáng của nguồn sáng. Cường độ này tăng, giảm theo bình phương sự tăng giảm theo khoảng cách giữa nguồn sáng và vật chụp. Cụ thể khi khoảng cách gần hơn gấp đôi thì cường độ sáng tăng lên gấp bốn lần. Ngược lại khi khoảng cách này xa đi gấp đôi thì cường độ sáng giảm đi gấp bốn lần.
    Vậy, nếu bạn muốn ánh sáng giảm trên phông thì không phải là kéo đèn ra xa vật chụp mà ngược lại, kéo lại gần vật chụp hơn nữa. Giả thiết ở đây là vật chụp nằm giữa phông và đèn.
    Nắm được đặc điểm này của ánh sáng đôi khi bạn có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền cho việc sắm đèn của bạn. Đơn giản để khép thêm một khẩu trên ống kính bạn phải tăng gấp đôi công xuất đèn hiện có tại cùng một vị trí bố trí đèn (trong khi các thông số khác không đổi). Nếu đèn hiện tại bạn đang có đã xử dụng hết công xuất thì có nghĩa là phải mua thêm một cái đèn nữa có cùng công suất hay thay bằng một đèn khác có công xuất gấp đôi. Trong khi đó bạn chỉ phải kéo đèn gần lại thêm một ít thôi miễn là điều kiện cho phép.

    Trên đây là những khái niệm cơ bản của ánh sáng trong nhiếp ảnh mà tôi đúc kết được trong quá trình tham gia vào lĩnh chụp ảnh, hy vọng ít nhiều giúp ích cho những ai mới bước chân vào lĩnh đẹp đẽ và tốn kém này. Để hiểu tường tận vấn đề tôi đề nghị bạn nên mua hẳn một cuốn sách chuyên đề hay tham dự một khóa đào tạo chuyên nghiệp. Và quan trọng nhất đó là chụp thật nhiều, thử thật nhiều. Một khi bạn nắm vững được vấn đề thì điều tưởng là khó hóa ra thật dễ dàng.
     

In ảnh màu tại Thái Nguyên | chụp ảnh thẻ Thái Nguyên |