Tuy không được chú ý như nhiều ống kính, chân đế, đèn flash hay bao đựng máy,... kính lọc nếu biết cách sử dụng cũng như nắm được tầm quan trọng của nó sẽ giúp những bức ảnh hoàn chỉnh hơn. Chức năng cơ bản của bộ kính lọc (filter) là giúp bảo vệ ống kính máy ảnh – bộ phận quan trọng và rất dễ hỏng. Nếu liên tục tiếp nhận ánh sáng mạnh trong quá trình sử dụng, ống kính sẽ giảm độ nhạy sáng và dần dần không còn sử dụng được nữa. Chiếc kính lọc ánh sáng trong trường hợp này sẽ có tác dụng như kính mát bảo vệ mắt người, giúp hạn chế bớt ánh sáng chiếu trực tiếp vào ống kính. Trong quá trình sử dụng, chiếc kính lọc cũng giúp hạn chế bụi bẩn cũng như các tác nhân môi trường khác gây trầy xước ống kính máy. Kính lọc theo vật liệu sản xuất - Gel: Loại kính lọc làm từ các chất dẻo dạng gel cực kì dễ hỏng và có giá thành rẻ nhất. - Optical: Đây là dòng sản phẩm được chế tạo từ loại nhựa đặc biệt, tương tự như nhựa làm kính đeo mắt. Dòng sản phẩm này có nhiều ưu điểm như nhẹ, bền hơn các sản phẩm làm từ gel, đa dạng, và giá không quá cao. - Kính: Các kính lọc được làm từ kính cho chất lượng tốt và bền bỉ nhất trong mọi môi trường sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm của dòng sản phẩm này là giá thành khá cao và thường được dùng nhiều bởi các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Các dòng kính lọc thông dụng Mỗi dòng sản phẩm kính lọc đều có các chức năng khác nhau và theo đó mà có ứng dụng khác nhau trong quá trình sử dụng. Clear filter – kính lọc trong suốt: Loại kính lọc này không lọc được các tia sáng. Công dụng đơn giản là bảo vệ ống kính trước các tác nhân môi trường, và hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa ống kính với ánh sáng. - Ultraviolet filter – UV, kính lọc tia cực tím: có tác dụng giảm bớt độ chói của ánh sáng do tác động của bức xạ tia cực tím và thường được dùng trong việc chụp ảnh ở môi trường có ánh sáng tự nhiên như ảnh phong cảnh. Các kính lọc UV trong suốt và vì thế có thể dùng với hầu hết mọi nguồn sáng cũng như trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra, một số dòng kính lọc UV mạnh còn có tác dụng làm ảnh chụp có vẻ ấm hơn. Do cấu tạo nhiều lớp, các kính lọc UV có thể giảm đáng kể các viền tím quanh ảnh chụp do tác nhân từ ánh sáng tia cực tím gây nên. Ảnh chụp qua kính lọc hồng ngoại - Infrared filter – Kính lọc hồng ngoại: Loại kính này lại có tác dụng giảm ánh sáng mắt thường có thể thấy được và chỉ cho các tia hồng ngoại đi qua. Hầu hết chúng ta đều rất quen thuộc với ý tưởng những vật nóng sẽ cho ảnh màu đỏ và lạnh hơn sẽ cho ảnh màu xanh khi nói về ảnh hồng ngoại. Tuy nhiên, kính lọc hồng ngoại không cho kết quả ảnh chụp tương tự như vậy vì thực chất chúng là kết quả của sự tương phản lại ánh sáng hồng ngoại mà kính lọc cho đi qua và vào cảm biến máy ảnh. Những vật có độ phản chiếu ánh sáng hồng ngoại tốt hơn khi lên ảnh sẽ cho kết quả màu trắng trong khi những vật tương phản kém hơn sẽ cho ảnh màu đen. Dễ hiểu nhất là bạn hãy liên tưởng đến việc chụp một rừng cây dưới bầu trời trong xanh, kết quả sẽ cho ra một bức ảnh với bầu trời tối đen và một khoảng rừng trắng. Ngoài những dòng sản phẩm “căn bản”, nhiều loại kính lọc chuyên dụng còn cho kết quả ảnh chụp đặc sắc. Loại kính lọc này đòi hỏi người dùng cần có kiến thức tốt về nhiếp ảnh và nhiều thời gian để làm quen cách sử dụng. - Contrast filter – Kính lọc tương phản: Thường được dùng nhiều trong việc chụp ảnh trắng đen, dùng để nhấn mạnh sự tương phản màu của các chủ thể. Các kính lọc tương phản màu mang lại tác dụng làm sẫm hoặc sáng hơn màu tùy chọn theo màu kính. Ví dụ kính lọc tương phản xanh lá sẽ có tác dụng nhấn mạnh sự tương phản màu của lá và màu hoa. - Neutral density (ND) filter: Loại kính lọc chuyên dụng cho các nhiếp ảnh gia phong cảnh. Có nhiều dòng kính lọc ND phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau về cân chỉnh ánh sáng cho ảnh chụp. Cơ bản, kính lọc ND có màu xám, có tác dụng giảm ánh sáng vào trực tiếp cảm biến của máy ành và không làm đổi màu ảnh chụp. Với tác dụng này, ánh sáng giảm mức độ ảnh hưởng đến cảm biến, giúp người dùng có thể tăng được độ mở ống kính (ứng dụng tăng chiều sâu ảnh) hoặc giảm tốc độ đóng cửa trập trong khi chụp ảnh (ứng dụng chụp dòng nước đang chảy, cảnh hoàng hôn hoặc bình minh..). Ảnh chụp thác nước với ND filter Bên cạnh kính ND còn có loại kính Graduated Neutral Density (Grad ND) có thể nhận dạng qua việc chuyển sắc xám từ nhạt đến đậm dần trên mặt kính. Khi chụp ảnh phong cảnh, người chụp thường gặp hiện tượng 1 phần ảnh quá sáng hoặc 1 phần quá tối do cảm biến máy ảnh tự điều chỉnh độ phơi sáng cho phù hợp. Kính Grad ND sẽ giúp loại bỏ hiện tượng này, giúp cản bớt ánh sáng ở những vùng phơi sáng nhiều trong khi vẫn giữ được ánh sáng nguyên thủy của vùng còn lại trong ảnh. Cảnh hoàng hôn qua kính lọc ND - Polarized filter – Kính lọc phân cực: Về cơ bản, loại kính này được dùng với mục đích loại bỏ ánh xạ trong khi chụp ảnh. Nguyên tắc đơn giản nhưng tùy trường hợp ứng dụng cụ thể mà kết quả ảnh chụp sẽ khác nhau. Ví dụ bạn thường thấy ảnh chụp của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có màu trời xanh hơn hoặc lá cây sẫm hơn, hoặc các màu sáng có vẻ sống động hơn… Nguyên nhân là khi chụp ảnh, một số ánh xạ sẽ “chặn” bớt màu thật và vì vậy màu trên ảnh có vẻ không sống động như cảnh thật và kính phân cực có tác dụng giảm các ảnh hưởng này. Loại kính lọc này không cố định như các dòng kính lọc khác. Khi gắn vào ống kính máy ảnh, người dùng có thể tùy chỉnh vòng quay quanh kính lọc để hiệu chỉnh độ phân cực cho phù hợp nhu cầu của mình. Với camera kỹ thuật số, kết quả của sự hiệu chỉnh này có thể xem được trên màn hình hiển thị của máy ảnh. Hiệu ứng của kính lọc phân cực Polarized Ảnh chụp thường (trái) và qua kính lọc (phải) Ngoài những dòng kính lọc cơ bản trên, còn rất nhiều loại kính phục vụ cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp như kính “mắt ếch”, kính tạo sương, hoặc kính chỉnh màu… nhằm tạo ra các hiệu ứng ánh sáng đặc biệt. Tuy nhiên, hầu hết các loại kính này rất ít được người dùng phổ thông biết đến vì đòi hỏi kỹ thuật chụp ảnh cao và thường chỉ thích hợp sử dụng với các dòng máy bán chuyên trở lên với nhiều tùy chỉnh thủ công.