Khai thác khả năng chống rung trên máy ảnh

Thảo luận trong 'Nhiếp ảnh cơ bản' bắt đầu bởi Studiophale, 31/7/11.

  1. Studiophale

    Studiophale Điều hành viên cũ

    Tham gia:
    17/12/10
    Bài viết:
    517
    Đã được thích:
    1,654
    Các công nghệ chống rung quang học, chống rung cảm biến và ISO cải tiến đang giúp các nhiếp ảnh gia giải thoát khỏi sự phụ thuộc vào chân máy.

    [​IMG] Sony SLT-A55, Olympus E-5 và Pentax K-5 là những máy ảnh áp dụng công nghệ ổn định hình ảnh bằng cảm biến. Chế độ ổn định hình ảnh trên thân máy và ống kính hiện nay cho phép có thể chụp được những bức ảnh sắc nét mà không cần phải dùng tới chân máy kể cả khi ở tốc độ rất thấp, thêm vào đó, các cảm biến siêu nhạy thậm chí còn cho phép một số máy DSLR chụp trong đêm. Có vẻ như thời của chân máy đang dần đi vào dĩ vãng.
    Hầu hết các nhiếp ảnh gia có kinh nghiệp đều biết rằng để chụp một bức ảnh tốt trong điều kiện thiếu sáng, một chân máy vững chắc là công cụ tốt nhất trong trường hợp này. Tuy nhiên với công nghệ ổn định hình ảnh ứng dụng trên cả ống kính lẫn cảm biến trên các DSLR hiện đại, liệu chân máy có đang dần trở nên lỗi thời và mất dần tính phổ biến trong vai trò hỗ trợ người chụp trong những điều kiện thiếu sáng hiện nay?
    Câu trả lời thực ra không hề đơn giản bởi ngoài việc chân máy giúp máy ảnh ổn định khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, nó còn là một giá đỡ lý tưởng gánh trên lưng các thân máy chuyên nghiệp cỡ lớn và các ống kính siêu tele với kích cỡ cồng kềnh cố hữu của mình. Đó là còn chưa kể tới hàng loạt phụ kiện đi kèm như đế pin, bộ phát Wi-Fi hay một loạt các linh kiện mới xuất hiện trong thời đại máy ảnh DSLR quay phim HD hiện nay như microphone, các thiết bị hỗ trợ lấy nét hay các đèn quay video chuyên dụng. Cùng với sự phát triển các đầu khớp bi lỏng chuyên dụng để quay lia video gắn trên chân máy, chân máy vẫn giữ được mức độ phổ dụng của mình, dù vai trò của nó đang dần xa rời khỏi chức năng ổn định hình ảnh cho máy trong điều kiện thiếu sáng thuở ban đầu.
    [​IMG] Canon EF 70-200mm ƒ/2.8L IS USM, Sigma 70-300mm ƒ/4-5.6 DG OS and Tamron 18-270mm ƒ/3.5-6.3 Di II VC là những ống kính có chống rung. Ổn định hình ảnh trên ống kính hay trên cảm biến hiệu quả hơn?
    Nếu là một nhiếp ảnh gia hay di chuyển, chắc hẳn bạn sẽ luôn muốn hành trang thật gọn nhẹ, và vì thế, chân máy sẽ là lựa chọn cuối cùng nếu bạn bắt buộc phải mang theo. Lựa chọn được ưu tiên trong trường hợp này sẽ là những ống kính tích hợp sẵn cơ chế chống rung quang học, hoặc ít nhất là một thân máy có cơ chế chống rung cảm biến.

    Hai hệ thống ổn định hình ảnh này hoạt động hiệu quả ra sao và cơ chế nào tốt hơn thực ra còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan như hãng máy ảnh bạn đang dùng, các đặc điểm vật lý mỗi người và đối tượng mà bạn chụp. Hiện các nhà sản xuất như Canon, Nikon, Panasonic hay Sigma chỉ áp dụng hệ thống ổn định hình ảnh lên ống kính (với các ký hiệu như IS, VR, Mega O.I.S và OS) cho các máy DSLR của mình. Còn các hãng khác như Olympus, Pentax hay Sony lại lựa chọn ứng dụng tính năng chống rung dựa trên cảm biến. Cần lưu ý một điều là, ngay cả khi bạn mua một ống kính của hãng thứ ba có tính năng chống rung quang học, khi lắp trên các máy cũng có tính năng chống rung, bạn sẽ chỉ sử dụng được một trong hai cơ chế chống rung chứ không sử dụng cùng lúc cả hai được.
    Theo lý thuyết, cả hai hệ thống ổn định hình ảnh có thể cải thiện từ 2 đến 4 stops so với tốc độ tối thiểu cho phép chụp cầm tay mà máy vẫn không bị rung. Điều này có nghĩa là nếu tốc độ thấp nhất cho phép là 1/200 giây thì khi áp dụng cơ chế ổn định hình ảnh, người chụp vẫn có thể chụp một bức ảnh với tốc độ xuống tới 1/12 giây (4 stops) mà ảnh vẫn không bị mờ nhòe. Tuy nhiên, trên thực tế sử dụng, các nhiếp ảnh gia nhiều kinh nghiệm cho biết, kể cả các ống kính chống rung tốt nhất hay cảm biến chống rung hiệu quả nhất thì độ tối ưu cũng chỉ trong khoảng chừng 3 stops, cộng thêm điều kiện là các ống sử dụng có tiêu cự phải dài hơn 100mm. Với các ống thường hay góc rộng, mức độ cải thiện chất lượng nhờ tính năng ổn định hình ảnh sẽ khó nhận biết hơn. Thêm vào đó, lợi thế của cơ chế ổn định hình ảnh có xu hướng giảm dần khi tốc độ cửa trập tăng lên. Ví dụ, nếu người chụp với ống 200mm và để ở chế độ 1/400 giây có thể bắt được đối tượng chuyển động mà không bị rung thì khi người chụp tăng tốc lên 1/600 giây để tạo hiệu ứng đông cứng chuyển động, vai trò của ổn định hình ảnh trong trường hợp này sẽ khó có thể nhận thấy rõ rệt.
    Quy tắc tốc độ tỷ lệ nghịch
    Trước khi bật chế độ ổn định hình ảnh, bạn cần phải biết tốc độ thấp nhất người chụp có thể cầm máy chụp mà ảnh vẫn không bị rung. Tốc độ này được tính toán trên nguyên tắc tốc độ tỷ lệ nghịch: nghĩa là 1/độ dài tiêu cự. Ví dụ, nếu người chụp với máy ảnh full-frame và ống zoom để ở tiêu cự 200mm, tốc độ thấp nhất cho phép chụp không rung sẽ là 1/200 giây. Tất nhiên ở đây giả thuyết là ánh sáng đủ cho phép chụp ở tốc độ này mà vẫn không bị thiếu sáng.
    Ở tốc độ tối thiểu này trở lên, hình ảnh thu được phải không bị rung khi phóng ảnh ở kích cỡ 10 x 15cm hoặc 13 x 18cm. Dưới tốc độ tối thiểu này, hình ảnh có thể hơi mờ do máy ảnh bị rung.
    Một vài yếu tố khác có thể tác động tới nguyên tắc này. Ví như nếu DSLR cảm biến APS-C hay Four Thirds, bạn sẽ phải nhân tỷ lệ để tương đương với chuẩn full-frame (nhân crop factor lên 1,5x, 1,6x hay 2,0x tùy cảm biến). Ví dụ, máy Nikon D5100 khi lắp ống kính 200mm thì tiêu cự trên thân máy sẽ là 300mm và tốc độ tối thiểu không rung lúc này sẽ là 1/300 giây.
    Rung máy hay không còn tùy thuộc vào trọng lượng thân máy, khả năng điều hòa nhịp thở người chụp, cách thức cầm máy và các yếu tố môi trường khác nữa. Vì thế tốc độ tối thiểu chỉ là chỉ số để người chụp tham khảo trong tương quan với hàng loạt thông số khác có liên quan đề cập ở trên.
    Các công nghệ ổn định hình ảnh cũng có tác động nhất định đến cách thức bạn chụp và số tiền bạn đầu tư cho ống kính. Máy ảnh với công nghệ ổn định hình ảnh cảm biến hoạt động tốt với bất kỳ ống kính tương thích nào, kể cả các ống cũ. Còn các ống kính có cơ chế chống rung lại thường đắt hơn các ống kính không chống rung. Thông thường, chỉ có ống kính có cơ chế chống rung mới có chức năng xem trước tác động ổn định hình ảnh qua khung ngắm quang. Tuy nhiên, một số thân máy chống rung cảm biến cũng cho phép xem trước tác động chống rung trong chế độ LiveView qua LCD hay khung ngắm điện tử. Một số người thì cho rằng chế độ xem trước hiệu ứng chống rung rất hiệu quả, trong khi số khác lại cho rằng nó chỉ làm cho máy ảnh tốn thêm pin.
    Các ống kính chống rung cao cấp thường được trang bị các chế độ lia hoặc công tắc chuyên dụng khi cần chụp lia bám đối tượng. Tính năng này cho kết quả xuất sắc nhờ việc bỏ qua chuyển động ngang và chỉ giảm rung theo chiều dọc. Một số ống kính còn có thể nhận biết máy ảnh đang được đặt trên chân máy và tự động tắt chế độ chống rung để tiết kiệm pin.
    Ở chế độ quay phim, có thể nói cả hai hệ thống chống rung đều phát huy hiệu quả xét về một góc độ nào đó, dù rằng công nghệ chống rung quang học trên ống kính có xu hướng yên tĩnh hơn do ít nhất chúng cũng ở vị trí xa micro thu âm tích hợp trong máy ảnh hơn. Hiện Panasonic đã sản xuất thế hệ ống zoom mới với cơ chế chống rung gần như hoàn toàn yên lặng.
    ISO cũng góp phần thay đổi vai trò ổn định hình ảnh của chân máy.
    Cả ống kính với độ mở lớn hay ISO đặt ở mức cao cũng đều giúp người chụp đẩy tốc độ chụp nhanh hơn trong điều kiện ánh sáng yếu nhất định. Tuy nhiên, các ống tele với độ mở lớn thường rất đắt và hiếm khi đưa được 2 stops so với các ống kính rẻ tiền hơn. Nhưng lợi thế 2 stops này (ví dụ f/2.8 và f/5.6) sẽ có giá trị nếu bạn là ngườI chuyên chụp ánh sáng yếu hoặc nếu bạn muốn xóa thêm phông nên bằng việc sử dụng độ mở lớn.
    Tăng giá trị ISO trên máy ảnh để cải thiện khả năng chụp trong điều kiện ánh sáng yếu cũng có thể giúp bạn có thêm một vài stops lợi thế bên cạnh các ống kính độ mở lớn hay công nghệ ổn định hình ảnh. Nhiều máy ảnh "ngắm là chụp" hiện nay lấy giá trị ISO cao làm thành chế độ ổn định hình ảnh "điện tử" khi ở chế độ tự động toàn phần. Tuy nhiên, cái giá phải trả cho việc tăng ISO là chất lượng ảnh sẽ bị suy giảm. Độ suy giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào máy ảnh và bản thân cảm biến của máy nữa. Hầu hết các máy DSLR hiện tại cho phép chỉnh ISO để cải thiện từ 3 tới 5 stops so với mức tiêu chuẩn trước khi chất lượng ảnh trở nên quá tệ. Ví dụ, một máy ảnh APS-C trung bình với ISO 100 là tiêu chuẩn, bạn có thể tăng giá trị ISO lên mức 800 (3 stops) hoặc 3200 (5 stops) mà ảnh thu được vẫn có thể thuộc dạng chấp nhận được.
    Kiểm tra tốc độ tối thiểu khi chụp không rung
    [​IMG] Do mỗi người là khác nhau nên tốt nhất cần thiết kiểm tra tốc độ tối thiểu của riêng mình trên từng ống kính bạn có. Quá trình thực hiện rất đơn giản. Tìm một đối tượng có đường viền thẳng (như cây với cành chĩa ngang), đặt máy ảnh ở chế độ ưu tiên cửa trập và chụp một loạt các bức ảnh với tốc độ giảm dần. Khởi đầu với tốc độ 1/1.000 giây và cuối cùng dừng ở mức khoảng một phần tư giây. Mở ảnh bằng máy tính và zoom đến tận từng điểm ảnh và bạn sẽ nhận thấy các bức ảnh sẽ có xu hướng mờ dần khi tốc độ giảm dần. Ở một tốc độ nào đó, độ mờ này sẽ nhìn rõ và bạn sẽ lấy tốc độ trước đó là tốc độ tối thiểu của bạn. Lưu ý đây là tối thiểu, còn thông thường tốt nhất hãy chụp với tốc độ nhanh nhất có thể, nếu không sẽ cảm thấy hối tiếc khi đi chụp cả ngày và đến lúc về xem lại các bức ảnh lại bì nhòe mờ chỉ vì máy bị rung do chụp chậm.
    Gần đây, các DSLR cao cấp như Canon EOS-1Ds Mark IV và Nikon D3S đã cho thấy công nghệ cảm biến và chíp xử lý hình ảnh trên các máy ảnh số hiện đại có khả năng đẩy ISO vượt ra ngoài các giới hạn thông thường từ trước tới nay. Cả hai DSLR đều có thể đặt giá trị ISO lên tới 102.400, cho phép máy ảnh chụp trong điều kiện gần như tối hoàn toàn so với chỉ 3.200 là cao nhất thời ISO máy phim (kể cả cộng thêm xử lý hậu kỳ cũng chỉ tới được 12.800). Rõ ràng, với mức giá trị ISO thêm tới gần 100.000 (cho dù ở mức này ảnh khá nhiễu hạt và nhiễu màu), các máy DSLR mới có đủ khả năng chụp với ISO 6.400 (6 stops hơn ISO 100) và 12.800 (7 stop) mà chất lượng ảnh vẫn đủ kinh ngạc, trong nhiều trường hợp thậm chí còn không hề thua kém các mức ISO 800 và 1.600 ở các phiên bản cùng hãng đời trước.
    Khi kết hợp toàn bộ các lợi thế: từ ống kính chống rung, độ mở lớn, ISO cao, bạn có thể đạt được một mức từ 7 tới 10 stop với các phiên bản APS-C mới nhất và tới 13-14 stop khi chụp với các máy chuyên nghiệp. Hãy thử tưởng tượng lợi thế chụp thiếu sáng sẽ là như thế nào khi so sánh với các máy phim hay máy số thường với ISO 100 và một ống kính không chống rung có độ mở f/4 hay f/5.6.
    Lợi thế này thực sự không chỉ còn nằm ở những thông số mà đã giúp các nhiếp ảnh gia chỉ cần cầm tay vẫn có thể chụp ảnh và quay phim ở những điều kiện vô cùng tối, điều kiện mà trước đây với máy phim hay kể cả với những máy số đời đầu nếu không có chân máy hay đèn phụ sẽ là điều không thể.
    Chống rung trên ống kính và trong thân máy
    Cả hai hệ thống chống rung trên ống kính hay bằng cảm biến đều hoạt động trên cùng một nguyên tắc cơ bản là dựa vào cảm biến góc hồi chuyển trong ống kính hoặc thân máy nhận biết các chuyển động của máy và chuyển các dữ liệu này tới bộ xử lý. Bộ xử lý diễn dịch các dữ liệu chuyển động, kết hợp với các thông tin thu được từ tiêu cự ống kính và tính toán góc bù cần thiết, sau đó chuyển tín hiệu tới hệ thống ổn định hình ảnh để chuyển động thấu kính ổn định hoặc cảm biến theo một giá trị và hướng đúng bằng hướng đã bị dịch chuyển.
    Mỗi hệ thống ổn định của mỗi hãng lại khác nhau về mặt chi tiết, nhưng tự trung lại đều nhằm mang lại một kết quả chung là người chụp có được một bức ảnh sắc nét. Các hệ thống ổn định hình ảnh trước đây thường cho phép tận dụng được lợi thế khoảng 2 stop (ví dụ từ tốc độ trung bình 1/60 giây xuống còn 1/15 giây) thì ngày nay một số hệ thống chống rung mới cho phép bù tới 4-5 stop (cho phép bạn chụp với tốc độ xuống tới một phần tư hoặc một phần hai giây).
    Canon giới thiệu hệ thống chống rung quang học của mình với ống EF 75-300mm ƒ/4-5.6 IS USM từ những năm 1995. Ngày nay cùng với hãng này, các hãng đều có những ống chống rung tích hợp với các ký hiệu riêng như Canon (IS), Nikon (VR), Sigma (OS) và Tamron (VC). Konica Minolta thì giới thiệu hệ thống chống rung cảm biến trong phiên bản Maxxum 7D năm 2005 và nay dù không còn sản xuất DSLR nữa nhưng Sony, hãng mua Konica Minolta lại đã kế thừa công nghệ này. Olympus và Pentax cũng có những máy DSLR sử dụng công nghệ chống rung cảm biến.
    Chế độ chống rung cũng được cải tiến theo từng thời kỳ. Trước đây cơ chế chống rung thường chỉ có một chế độ, ngày nay các ống kính như của Canon đã tiến tới có 2 chế độ (Mode 1 với cơ chế bù cả rung ngang và dọc và Mode 2 chỉ bù theo một hướng, dùng trong bám nét đối tượng chuyển động). Nikon cũng có các ống kính chống rung VR thông thường và chống rung VR chủ động, cho phép bù rung khi người chụp đang chuyển động hoặc đang ở trên xe.
    Nguyễn Hà
     
    hokida thích bài này.

In ảnh màu tại Thái Nguyên | chụp ảnh thẻ Thái Nguyên |