Bài hướng dẫn sau đây là dựa theo những hiểu biết của tôi về việc chụp pháo hoa. Nó sẽ có ích cho những người mới cầm máy. Trong mọi trường hợp, công thức chỉ mang tính tham khảo. Để có bức hình đẹp nó đòi hỏi sự sáng tạo và may mắn của người cầm máy. 1. Vị trí chụp. Tôi cho rằng không nên đứng quá gần nơi bắn pháo hoa để chụp bởi nó sẽ khó chụp với bố cục đẹp, khó có tiền cảnh và hậu cảnh. Việc chọn chỗ chụp hợp lý cần có sự quan sát và thông tin về địa điểm chụp để lựa chọn đúng. Không phải nơi tất cả mọi người đến là nơi có thể chụp được pháo hoa đẹp. Năm ngoái, ở Hà nội, rất nhiều bạn đã đi chụp và chỉ 1 bạn thành công với ảnh chụp Pháo hoa từ bên kia cầu Long Biên với background là Hà Nội rực sáng. Ở Sài gòn thì có một địa điểm hợp lý là bên kia phà Thủ Thiêm, dễ chụp vì có thể quan sát thấy toàn bộ khu vực bắn pháo hoa, phía dưới là mặt sông thoáng nên có thể lấy được cả bóng phản chiếu, đồng thời cũng có nền tốt là bầu trời và một phần của thành phố rực đèn. 2. Chân máy. Nhất thiết phải có chân máy. Vì làm chụp pháo hoa ở chế độ chậm nên cần chân máy để chống rung. Nếu bạn không có chân máy, hãy tìm một điểm tì vững chắc để gá máy vào. Năm ngóai, tôi, Johnhook và khoiyte đã chung nhau một điểm chụp là cái bốt điện. Để chống rung, cũng nên có thêm các thiết bị phụ trợ như dây bấm mềm hoặc điều khỉên từ xa. 3. Thông số. Để chụp pháo hoa, bạn nên đặt như sau: - Manual focus: 10m - vô cùng - Aperture - Độ mở ống kính: nên đặt từ f/8 tới f/16 - ISO: nên đặt thấp nhất có thể. - Thời gian: 4s - 20s - Flash: turn off Bạn nên chọn Mode M để dễ dàng điều chỉnh và sắp đặt các thông số. Thời gian - Độ mở - ISO cần thiết lập sao cho nền trời luôn có màu đen xẫm hoặc xanh thẫm, không quá sáng 4. Chú ý khác: Khi chụp pháo hoa, để ý là không cho các nguồn sáng khác ăn vào máy. Lựa chọn góc chụp hợp lý để không có các nguồn sáng không mong muốn như đèn cao áp, đèn xe, đèn flash... Vì thời gian bấm máy lâu và luôn phải dõi theo pháo, bạn nên cất đồ cẩn thật, tốt hơn là mang theo áo chuyên dụng có nhiều túi, để hết các đồ quan trọng vào túi trước bên trong. Tuy nhiên, thông thường thì người ta hay chen vào cùng với đám đông để xem pháo hoa ngay nơi pháo được bắn lên nên hay có xu hướng dùng ống kính góc rộng. Tuy nhiên, nếu chụp pháo hoa từ xa thì việc sử dụng ống kính normal hoặc tele là cần thiết. Một điều cần chú ý về góc chụp nữa là khói pháo hoa. Nếu tiết trời gió nhẹ hoặc không có gió, khói pháo sẽ đặc quánh trên bầu trời và chỉ vài phút là không còn nhìn thấy rõ pháo nữa. Ở Hà Nội, Mùa này thường có gió thồi từ hướng Đông Bắc - Tây Nam, bởi vậy cần đứng tránh hướng Tây hoặc Nam vì dễ bị khói pháo che lấp. 5. Sáng tạo - Nếu bạn bấm máy từ khi pháo bắn lên từ dưới đất đến khi tàn pháo, bạn sẽ thu được một hình cây dừa đẹp. - Bạn cũng có thể chụp nhiều bông pháo một lúc trên một khuôn hình bằng cách chuyển máy sang chế độ Bulk (Đặt máy về chế độ M, chỉnh thời gian lên hết cỡ, vượt qua 30s là đến B). Sau đó dùng miếng giấy đen, lencap.. để che ống kính lại, mỗi khi có pháo nổ lại mở ra. Có thể áp dụng từ 3-5 lượt. 6. Giải thích: - Khi chụp pháo hoa, độ sáng của nó không phụ thuộc vào thời gian đóng mở máy (thời gian chụp) mà nó phụ thuộc vào độ mở ống kính (Aperture) Xin nhắc lại là trên đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản để chụp pháo hoa. Để có thể có tác phẩm đẹp, nó đòi hỏi sự sáng tạo của tác giả. Nếu bạn có những kinh nghiệm khác, xin cùng chia sẻ ở đây. Nếu bạn chưa nắm rõ điều gì ở đây, xin cứ mạnh dạn trao đổi lại. Chúc bạn có được nhiều bức hình pháo hoa thành công. VT ST