Tìm hiểu về biểu đồ ánh sáng và ứng dụng ( Sưu tầm)

Thảo luận trong 'Bài hướng dẫn' bắt đầu bởi hoangan2583, 17/6/12.

  1. hoangan2583

    hoangan2583 Super Moderator Thành viên BQT

    Tham gia:
    22/10/11
    Bài viết:
    1,714
    Đã được thích:
    3,277
    Giới tính:
    Nam
    Biểu đồ ánh sáng (histogram) là một công cụ hữu dụng hỗ trợ nhiếp ảnh gia điều chỉnh phơi sáng chính xác. Trên phần lớn các máy ảnh kỹ thuật số cao cấp, nhất là máy ảnh ống kính đơn phản xạ DSLR (ống kính rời) đều có chức năng hiển thị biểu đồ ánh sáng của ảnh đã chụp, thậm chí có loại hiển thị biểu đồ ánh sáng ngay trong khuôn hình ngắm chụp giúp người chụp dễ dàng điều chỉnh phơi sáng. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của biểu đồ ánh sáng trong nhiếp ảnh. Để sử dụng biểu đồ ánh sáng hiệu quả, trước tiên cần hiểu được biểu đồ này biểu diễn những gì và như thế nào. Bài viết này của VinaCamera.com cung cấp một số thông tin cơ bản về biểu đồ ánh sáng.

    [​IMG]
    Hình 1: Biểu đồ ánh sáng trên máy ảnh Nikon và Canon

    Điều dễ dàng nhận thấy khi nhìn vào các biểu đồ ánh sáng là thường có 4 biểu đồ nhỏ, ba biểu đồ biểu diễn ánh sáng của ba màu cơ bản trong bảng màu RGB, gồm màu đỏ (R – red), xanh lục (G – green), và xanh lam (B – blue). Ba màu này được pha trộn tạo nên hàng triệu màu của mỗi bức ảnh, giá trị chung được biểu diễn bằng một biểu đồ thứ 4, thường gọi là RGB; biểu đồ chung này trên các loại máy khác nhau sẽ có màu khác nhau như vàng hay ghi xám (như trong hình 1) hay trắng, ghi nhạt, xám v.v… Trên các phần mềm máy tính, biểu đồ chung RGB – có khi còn được gọi là biểu đồ phơi sáng (exposure) hay có thể nhiều tên gọi khác và có màu trắng hoặc đen… nhưng màu sắc và tên gọi ở đây không quan trọng vì biểu đồ chung RGB đều biểu diễn giá trị ánh sáng chung của toàn bức ảnh. Biểu đồ chung này là biểu đồ hay được sử dụng nhất trong việc đánh giá ánh sáng của một bức ảnh để điều chỉnh phơi sáng phù hợp. Và tất nhiên, dù ở trên máy ảnh hay ở trên phần mềm máy tính, khái niệm và giá trị hiển thị đều giống nhau.

    [​IMG]
    Hình 2: Bốn biểu đồ ánh sáng. Biểu đồ 1 (màu đen) biểu diễn ánh sáng chung của toàn bức ảnh; biểu đồ 2 (màu đỏ) biểu diễn ánh sáng màu đỏ; biểu đồ 3 biểu diễn ánh sáng xanh lục; và biểu đồ 4 biểu diễn ánh sáng xanh lam. Do theo cách phân chia phổ biến hiện nay có 256 cấp độ sáng của mỗi màu, nên ta thấy thang ánh sáng chia làm 256 cấp độ (0 – 255, 0 là tối đen hoàn toàn).

    Tìm hiểu hai chiều biểu diễn của biểu đồ ánh sáng

    Biểu đồ ánh sáng hiển thị giá trị ánh sáng của một tấm ảnh theo hai chiều:

    a. Chiều ngang biểu diễn cường độ sáng (như nói ở trên, được chia theo thang 256 cấp độ) theo qui ước bên trái là ánh sáng tối hơn, sát mép trái là tối đen (giá trị bằng 0) và càng về phía bên phải càng sáng cho đến sát mép phải là sáng trắng hoàn toàn (giá trị bằng 255).
    b. Chiều dọc biểu diễn số lượng điểm ảnh có cường độ sáng tương ứng với giá trị chiều ngang.

    Để giản lược – bớt chi li mà đại khái hơn – trong nhiếp ảnh số, người ta chia chiều ngang của biểu đồ ra làm ba khu vực chính (đôi khi là 4 hay 5) là khu vực ánh sáng yếu, sát bên trái (shadows), khu vực ánh sáng trung bình ở giữa (midtones) và khu vực ánh sáng mạnh, sát bên phải (highlights). Ta có thể thấy cách phân chia này trên cả các phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop.

    [​IMG]
    Hình 3: Ba khu vực ánh sáng (1) Yếu, (2) Trung bình và (3) Mạnh

    Quan sát độ sáng tối của một bức ảnh qua biểu đồ ánh sáng

    Với một bức ảnh đã chụp, khi xem lại ngay trên máy ảnh, hoặc trên phần mềm chỉnh sửa, qua biểu đồ chung RGB ta có thể dễ dàng nhận thấy bức ảnh sáng vừa, sáng yếu (thiếu sáng) hay sáng mạnh (thừa sáng).

    • Nếu phần lớn hiển thị nghiêng về phía bên trái (khu vực ánh sáng yếu), bức ảnh đó là một bức ảnh đa phần tối màu, phần lớn màu sắc và các khu vực ánh sáng của ảnh đậm tối. Nếu ở sát mép trái có cột dọc cao hết chiều cao của biểu đồ, ảnh có các khu vực tối đen hoàn toàn (giá trị bằng 0).
    • Nếu phần lớn hiển thị nghiêng về bên phải (khu vực ánh sáng mạnh), bức ảnh đó là một bức ảnh đa phần sáng màu, phần lớn màu sắc và các khu vực đều sáng mạnh. Nếu ở sát mép phải của biểu đồ có cột dọc cao hết chiều cao, ảnh có các khu vực chói sáng trắng hoàn toàn (giá trị bằng 255).
    • Nếu phần lớn hiển thị nằm ở giữa chiều ngang biểu đồ, ảnh đa phần có ánh sáng trung bình, điều hòa, không sáng quá hay tối quá.
    • Cách quan sát các màu cơ bản riêng biệt (đỏ, lục, lam) cũng tương tự như trên.

    Từ quan sát này có thể điều chỉnh để chụp (hoặc chỉnh sửa) cho ảnh “đẹp hơn”.

    Lưu ý 1: Ở đây tôi xin nhấn mạnh từ “đẹp hơn” vì tùy vào con mắt nghệ thuật của từng nhiếp ảnh gia hay mục đích của từng bức ảnh để điều chỉnh phù hợp, thể hiện tấm ảnh theo cách riêng của từng người. Ảnh quá thiếu sáng hoặc thừa sáng cũng không phải là một bức ảnh đẹp, mặt khác không phải bức ảnh nào có ánh sáng vừa phải đều ở giữa cũng là một bức ảnh đẹp, tất cả tùy thuộc vào từng bức ảnh (chủ thể, hậu cảnh, ánh sáng môi trường, phong cách đánh đèn, v.v…) và cách thể hiện cụ thể của từng người chụp.

    Lưu ý 2: Mặc dù sử dụng cùng khái niệm và cách biểu diễn giống nhau, luôn có sự khác biệt ít nhiều giữa biểu đồ ánh sáng trên máy ảnh và các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy tính, cũng như có sự khác biệt về tỷ lệ và cách hiển thị trong biểu đồ ánh sáng giữa các máy ảnh khác nhau. Bạn nên làm quen với máy ảnh cụ thể của mình để quan sát chính xác, rút kinh nghiệm sử dụng biểu đồ khi chụp ảnh.

    Lưu ý 3: Các khu vực có độ sáng là 0 (đen hoàn toàn) và 255 (trắng hoàn toàn) đều bị mất hết chi tiết ảnh. Các khu vực sát với hai giá trị này cũng hầu như không còn chi tiết, hoặc rất mờ nhạt và mắt thường không thể quan sát được.

    Trong ví dụ dưới đây (điều chỉnh trên vi tính, không phải chụp thật nhằm mục đích minh họa), nếu máy ảnh đặt ở chế độ tự động, hoặc ưu tiên khẩu độ hay tốc độ cửa chập – tức để máy tự quyết định độ sáng của ảnh chứ người chụp không chỉnh phơi sáng thủ công – việc ngắm chụp vào khu vực nào trong khuôn hình khi căn sáng là hết sức quan trọng.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Hình 4: Ảnh 1, do ngắm chụp vào khu vực có ánh sáng trung bình, máy hiểu là ánh sáng đã tốt nên ảnh có ánh sáng điều hòa.
    [​IMG]
    [​IMG]
    Hình 5: Ảnh 2, do ngắm chụp vào khu vực ánh sáng mạnh (mái nhà màu vàng) nên máy hiểu là chủ thể quá sáng, nên tự động điều chỉnh cho ảnh tối đi, vì vậy các khu vực tối của chủ thể bị tối sẫm, gần như đen hoàn toàn, ảnh bị thiếu sáng nghiêm trọng với biểu đồ dồn về bên tay trái.
    [​IMG]
    [​IMG]
    Hình 6: Ngược lại ở ảnh 3, do ngắm vào khu vực tối (khu vực lá cây hậu cảnh), máy điều chỉnh cho ảnh sáng hơn, kết quả là ảnh thừa sáng nghiêm trọng, biểu đồ dồn hết về bên tay phải.

    Thông thường, để có một bức ảnh với ánh sáng điều hòa, đúng sáng chủ thể như ngoài thực tế (không tính tới các trường hợp chủ định tạo tương phản lớn), cần ngắm và căn sáng vào các khu vực có cường độ ánh sáng trung bình (tương đương 18% gray).

    Như vậy, biết cách quan sát biểu đồ ánh sáng rất hữu ích với người chơi ảnh. Trong mọi trường hợp, các bạn nên chụp thử một số kiểu ảnh trước khi chụp chính thức, quan sát biểu đồ ánh sáng ảnh chụp thử và điều chỉnh phơi sáng đến khi có biểu đồ “đẹp” để có nhiều ảnh đẹp hơn. Các bạn cũng nhớ kết hợp sử dụng thiết bị đo sáng (light meter) hay tấm đo sáng xám (gray card) để có thể điều chính phơi sáng “đẹp nhất”.

    Tóm lại, biểu đồ ánh sáng là một công cụ sẵn có trên máy hết sức tiện lợi, một trợ thủ phơi sáng đắc lực của mọi nhiếp ảnh gia nghiêm túc.

    Lưu ý:
    Một lưu ý đáng quan tâm đối với các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhất là những ai mới chuyển từ chụp phim sang chụp số, liên quan tới biểu đồ ánh sáng này là: Dữ liệu được sử dụng trên hầu hết thân máy DSLR, nếu không muốn nói là tất cả thân máy ở thời điểm hiện tại – để hiển thị biểu đồ histogram của bức ảnh là dữ liệu được triết xuất từ ảnh định dạng JPEG (dù chụp ở định dạng JPEG, kết hợp JPEG và định thô RAW, hay RAW 100%). Điều này có nghĩa là biểu đồ ánh sáng (histogram) biểu diễn các giá trị của ảnh sau khi đã được phần mềm trên thân máy chuyển tạm thời sang JPEG. Chúng ta đều biết, JPEG là định dạng ảnh nén bị mất dữ liệu, vì vậy, biểu đồ ánh sáng KHÔNG biểu diễn đúng với các giá trị của tệp tin ảnh thô RAW lưu trên máy, và làm nhiếp ảnh gia có thể đánh giá sai lệch ánh sáng, tông màu, dẫn tới các điều chính thiếu chính xác trong quá trình chụp tiếp theo. Một lời khuyên cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp số là nên sử dụng thiết bị đo sáng riêng biệt để đảm bảo độ chính xác phơi sáng!

    Nguồn ( Sưu tầm)
     

  2. thangt7blue

    thangt7blue Member

    Tham gia:
    21/11/12
    Bài viết:
    40
    Đã được thích:
    6
    Hay quá bác ơi
     

In ảnh màu tại Thái Nguyên | chụp ảnh thẻ Thái Nguyên |